Giao thông

Qua ngã tư, biển báo tốc độ hết hiệu lực

14/05/2017, 10:18
image

Theo quy định mới, khi qua ngã tư không có biển báo khu dân cư nhắc lại, mặc nhiên biển đó hết hiệu lực.

1

Lái xe sẽ không còn lo bị phạt oan vì biển qua khu dân cư đã được QCVN 41:2016/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo hiệu đường bộ quy định chặt chẽ, cụ thể hơn - (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, rất nhiều tài xế thường bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ trong khu dân cư vì nhầm tưởng là đã hết sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo giới hạn tốc độ.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ thay thế quy chuẩn 41:2012 chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2016 với nhiều điểm mới và cập nhật đầy đủ hơn các vấn đề liên quan đến biển báo để tránh những hiểu nhầm.

Đối với vị trí đặt biển báo giao thông, quy định mới sẽ giúp tránh được những trường hợp tài xế bị phạt oan.

Cụ thể: Khoản 38.3 Điều 38 (Chương 6 về biển hiệu lệnh) quy định về vị trí đặt biển hiệu lệnh theo chiều đi và hiệu lực tác dụng của biển quy định: Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại, biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực.

Theo ông Lăng, Điều 36 quy định, biển "bắt đầu khu đông dân cư" là biển hiệu lệnh mã R.420 và biển "hết khu đông dân cư" cũng là biển hiệu lệnh mã R.421. Do đó, nếu có biển báo "khu đông dân cư" tại các đoạn đường rất dài, cứ đến một nơi giao nhau phải cắm biển lần nữa, nếu không có biển cắm, tài xế mặc định hiểu "đã hết khu đông dân cư", có thể tăng thêm tốc độ tối đa cho phép theo luật định.

"Ở quy chuẩn 41:2012 cũng có quy định tương tự ở điều 27 như sau: "Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài, tại các nơi đường giao nhau trong đoạn cấm có xe đi vào đoạn đường ấy, các biển cấm phải được đặt nhắc lại". Tuy nhiên, đây là quy định dành cho biển cấm chứ không phải biển hiệu lệnh, đồng thời không nói rõ nếu không cắm biển thì thế nào, do đó quy định mới ở quy chuẩn 41:2016/BGTVT cụ thể, chặt chẽ hơn", ông Lăng khẳng định.

Xem thêm Video

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.