Không thúc thủ trước khó khăn
Tháng 1/2021, gói thầu đầu tiên của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công. Bốn tháng sau, hai gói thầu còn lại của dự án cũng lần lượt triển khai.
Do ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi về thời tiết, thiếu nguồn vật liệu, công tác vận chuyển gặp khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi kênh rạch chằng chịt, vướng giải phóng mặt bằng... nên dự án liên tiếp bị trượt tiến độ.
Đến tháng 4/2023, tức sau hơn hai năm triển khai, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ mới đạt hơn 60% so kế hoạch đề ra.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ GTVT đã có nhiều chuyến thị sát thực tế, đốc thúc. Tiến độ của dự án dần khởi sắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng theo kế hoạch. Đến tháng 5/2023, 23km tuyến chính đã đủ điều kiện để thực hiện việc dỡ tải.
Chưa kịp thở phào thì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại vào mùa mưa, ảnh hưởng đến việc thi công.
Với quyết tâm làm bằng được 554km cao tốc, thay đổi hệ thống giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn của ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lui", "khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó", tăng ca, tăng kíp hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023.
Nhận nhiệm vụ từ người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã phát động phong trào 120 ngày đêm nỗ lực, phấn đấu, tổ chức thi công ba ca, bốn kíp quyết tâm hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2023.
Ngay sau đó, khí thế thi công trên công trường sôi động hơn bao giờ hết. Một lượng lớn thiết bị, máy móc, cùng hàng trăm kỹ sư, công nhân được huy động đến công trường ngày đêm thi công để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính và lãnh đạo Bộ GTVT.
Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung huy động nhân lực, vật lực trên công trường, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư, lập lại kế hoạch thi công chi tiết theo tuần, theo ngày.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai song song và đồng loạt tất cả các hạng mục với tinh thần "không một giờ để máy móc, công nhân nằm yên trên công trường vì phải chờ hạng mục khác..."
Biến thế bị động thành chủ động
Với những chỉ đạo quyết liệt, sản lượng thi công của các nhà thầu tăng vọt từ 67% (tháng 8/2023) lên gần 80% sau hơn một tháng.
Đặc biệt, sau chuyến kiểm tra của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vào giữa tháng 11/2023, hạn định 31/12/2023 được rút ngắn lại thành 24/12/2023, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và lãnh đạo các nhà thầu đã túc trực trên công trường, chỉ đạo thi công.
Hiện các nhà thầu đang tranh thủ hoàn thiện những công việc còn lại của dự án để ngày 23/12 tiến hành tổng vệ sinh mặt đường, chuẩn bị cho lễ khánh thành diễn ra ngày 24/12.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, quá trình thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ gặp khó từ công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu cát và thời gian xử lý nền đất yếu.
Chính vì vậy, các nhà thầu phải tổ chức thi công đồng bộ dự án ngay từ giai đoạn vừa khởi công. Đồng thời, biến bị động thành chủ động, đưa đủ vật liệu về công trường ở thời điểm đầu tiên, tiến hành xử lý nền đất yếu.
"Chúng tôi phải tính toán giai đoạn dỡ tải không rơi vào mùa mưa, đảm bảo thời tiết thuận lợi cho việc thi công. Các nhà thầu phải tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi nhất, tổ chức thi công ba ca, bốn kíp.
Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng, đó là sự vào cuộc quyết liệt từ phía địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại những vị trí cần xử lý nền đất yếu, phải bàn giao mặt bằng sạch ngay từ đầu cho nhà thầu thi công", ông Minh nhận định.
Khi mơ ước thành hiện thực
Ông Lê Anh Chí (43 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ) chia sẻ, mấy ngày nay khi hay tin cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 sắp đưa vào khai thác, bản thân ông rất phấn khởi.
Theo ông Chí, do công việc nên ông thường xuyên đi TP.HCM. Hơn 10 năm trước, khi đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào hoạt động đã giúp ông rút ngắn thời gian đi lại từ Cần Thơ đến TP.HCM.
Tuy nhiên, thời gian rút ngắn này lại bù vào thời gian kẹt xe trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, như cầu Cổ Cò... Rồi sau đó, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, việc đi lại của người dân càng dễ dàng hơn, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn.
"So với hàng chục năm trước, giờ đi TP.HCM chỉ còn khoảng 3 giờ, đây là hiệu quả của các tuyến cao tốc. Khi đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành, đi từ Cần Thơ đến TP.HCM và ngược lại chắc còn khoảng hơn 2 giờ. Bà con miền Tây sắp hết cảnh kẹt đường mỗi khi lễ, tết, hàng hóa sẽ nhanh chóng đến các chợ đầu mối", ông Chí phấn khởi.
Cùng quan điểm, nhiều người dân ở miền Tây rất vui mừng khi hai dự án lớn của Bộ GTVT ở miền Tây đưa vào hoạt động dịp cuối năm 2023.
Ngoài ra, bà con cũng mong chờ cầu Cần Thơ 2 nối liền tuyến cao tốc đã hình thành và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ sớm triển khai giúp kết nối TP.HCM với Cà Mau, tạo thêm động lực để ĐBSCL phát triển kinh tế, xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận