Trận đá bù vòng 22 V-League 2019 giữa Hà Nội FC và Nam Định vốn không quá căng thẳng nhưng những kẻ quá khích đã biến 90 phút tại Hàng Đẫy trở thành 90 phút kinh hoàng trong lịch sử V-League.
CĐV trong màu áo Nam Định (tôi viết vậy bởi không rõ họ có phải là những đối tượng xấu trà trộn vào như lời HLV Nguyễn Văn Dũng của Nam Định nói hay không) đốt pháo sáng mù mịt khán đài. Một quả pháo bay như tên lửa từ khán đài B sang khán đài A, nhắm thẳng vào vị trí ghế ngồi khiến một CĐV nữ bị thương nặng ở đùi.
Cũng may quả pháo tiếp sau đó lệch ra vị trí khác, bằng không hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Đốt pháo chưa đủ, những kẻ quá khích còn hò nhau tấn công một chiến sĩ CSCĐ đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên sân. Chiến sĩ này sau đó cùng nữ CĐV bị thương được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Nhìn những hình ảnh tại Hàng Đẫy, tôi nghĩ ngay tới bóng đá châu Phi, nơi những thảm kịch do bạo loạn trên khán đài đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều CĐV chân chính. Hôm qua, thảm kịch chưa ập đến với bóng đá Việt Nam nhưng máu đã đổ, chỉ vì những kẻ quá khích đột lốt người hâm mộ.
Những kẻ gây rối cần phải bị xử lý thích đáng bởi hành vi trên đã vượt qua phạm vi bóng đá, mang tính chất hình sự và đe dọa tới mạng sống của người khác. Còn ở địa hạt bóng đá, nó giống như lời thách thức nhắm vào thứ bóng đá tử tế mà rất nhiều con người đang cố gắng xây dựng.
Ở một góc nhìn khác, vì sao những quả pháo sáng chuyên dụng vỏ sắt lại có thể dễ dàng được đem vào sân, qua cửa kiểm soát an ninh? Liệu Ban Tổ chức sân Hàng Đẫy đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Tôi tin là chưa, bởi đây không phải là lần đầu tiên sân nhà của Hà Nội để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng.
Chẳng nói đâu xa, ngay ở vòng 6 V-League 2019, CĐV Hải Phòng cũng đốt pháo sáng, dẫn tới Ban Tổ chức sân bị Ban Kỷ luật VFF phạt 70 triệu đồng kèm theo việc Hà Nội phải thi đấu trên sân không khán giả ở trận tiếp theo. Đáng ngạc nhiên bởi chỉ vài ngày sau, Ban Giải quyết khiếu nại đã hủy án "treo sân" đối với Hà Nội FC.
Có thể nói, sự hời hợt của Ban Tổ chức sân là nguyên nhân chính dẫn tới màn hỗn loạn ở Hàng Đẫy hôm 11/9. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPF cho hay, VPF đã có cuộc làm việc với Ban Tổ chức sân, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho trận đấu. Dẫu vậy, pháo sáng vẫn lọt qua hàng rào an ninh, tạo nên một màn khói lửa mịt mùng.
Bóng đá Việt Nam đang trong những ngày vui bởi U22 Việt Nam vừa thắng U22 Trung Quốc nhưng nhanh chóng bị đám khói ở sân Hàng Đẫy làm cho u ám. Nếu tôi nhớ không nhầm, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng không dưới 2 lần phải nộp phạt tiền tỉ vì CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài.
Câu hỏi đặt ra là loại bỏ pháo sáng có khó không? Hoàn toàn không khó nếu có sự chung tay của tất cả những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Hôm nay chỉ là một CĐV bị thương, chẳng ai biết điều khủng khiếp gì sẽ xảy ra trong tương lai. Hãy hành động khi còn chưa muộn, để trả lại sự trong sáng cho bóng đá, để ngăn chặn thảm kịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận