Giao thông

Quá tải nghiêm trọng cấp phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn

06/07/2018, 06:16

Những ngày gần đây, người dân đổ xô đến các sở GTVT xin cấp phù hiệu dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng.

3

Khu vực tiếp nhận hồ sơ cấp phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn luôn chật kín - Ảnh: Lê Tươi

Theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1/7/2018, các DN, HTX, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và phải được gắn phù hiệu “Xe tải”. Tuy nhiên, do tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, những ngày gần đây, người dân mới đổ xô đến các sở GTVT xin cấp phù hiệu dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Nước đến chân mới nhảy...

Hôm qua (5/7), có mặt tại bộ phận một cửa (Sở GTVT Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận, dù mới 9h30 đơn vị này đã phải thông báo hết số đăng ký cấp phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn. Nếu muốn cấp, người dân phải chờ đến chiều quay lại. Bên trong căn phòng cấp phù hiệu, khoảng gần 30 người “thấp thỏm” chờ đọc đến số.

Đang ngồi chờ gọi, anh Nguyễn Văn Ngọc ở Mê Linh, Hà Nội cho biết, anh là hộ kinh doanh cá nhân hiện đang có hai xe tải, trong đó có một xe dưới 3,5 tấn. Anh phải đến Sở GTVT Hà Nội từ 5h, đến 8h bấm số nhưng tận 11h30 mới được bộ phận một cửa gọi tên. “Do số lượng người đăng ký đông nên phải chờ đợi lâu. Cũng do mình chủ quan gần đến ngày áp dụng xử phạt mới đi đăng ký phù hiệu”, anh Ngọc nói.

"Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định rõ lộ trình những loại xe phải gắn phù hiệu vận tải. Trước khi quy định có hiệu lực (1/7), Tổng cục đã nhiều lần đôn đốc các Sở GTVT và tăng cường tuyên truyền ngay từ đầu năm. Lẽ ra người dân đã phải đến Sở GTVT để đăng ký cấp phù hiệu, nhưng nhiều người có tâm lý đến đúng thời điểm kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm mới thực hiện. Điều này sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng quá tải, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước. Các Sở GTVT cần tăng cường nhân lực, tăng ca để đáp ứng nhu cầu của người dân."

Ông Trần Quang Bình
Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN

Chị Nguyễn Thị Huyền ở Thanh Oai, Hà Nội cũng chia sẻ, lúc 16h30 chiều 4/7 đã đến làm thủ tục đăng ký phù hiệu nhưng do hết số, sáng 5/7 phải đến sớm. “Cũng thấy nhiều người làm sai phải làm lại nên mình hỏi kỹ càng những quy định sau đó mới nộp hồ sơ”, chị Huyền chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT thông tin, sát ngày quy định mới có hiệu lực, nhiều lái xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn mới cuống cuồng nộp hồ sơ về Sở GTVT Hà Nội xin cấp phù hiệu “Xe tải”. Bắt đầu từ 20/6 đến nay, trung bình Sở tiếp nhận 1.000 hồ sơ xin cấp phù hiệu xe tải/ngày, có những ngày đến hơn 1.000 hồ sơ, chưa kể số hồ sơ bị trả lại, cao gấp 8-10 lần ngày thường.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại TP.HCM. Sáng 5/7, ghi nhận của PV tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, dù chưa đến giờ làm việc đã có hàng trăm người đứng chờ trước cửa để làm thủ tục cấp phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn. Những người đến trễ hơn phải chờ đến chiều. Thậm chí, có người còn mang theo đồ ăn trưa để đứng chờ.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên của HTX Thương mại dịch vụ vận tải Thái Thành Công cho biết: “Trong giấy hẹn là đến mùng 2/7 được lấy phù hiệu, nhưng hôm nay tôi đến lấy vẫn chưa có. Chưa lấy được phù hiệu sẽ bị công an phạt, chúng tôi phải cầm theo giấy hẹn và văn bản xin lỗi của Sở GTVT do quá tải việc cấp phù hiệu”. 

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, từ ngày 20/6 đến nay mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 1.500 hồ sơ, trong khi trung bình chỉ từ 200-250 hồ sơ.

Tăng ca, thêm nhân viên để giải quyết cho người dân

Để đảm bảo tạo mọi điều kiện cấp phù hiệu cho xe tải cho người dân, ông Đào Việt Long cho biết, Sở GTVT phải tổ chức tăng ca, kíp cán bộ trực làm việc tại bộ phận một cửa. Cùng đó, Sở cũng cử cán bộ hướng dẫn người dân để tránh làm thủ tục sai phải chờ đợi lâu.

Theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/2014, sau ngày 1/7/2018, trường hợp các DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải dưới 3,5 tấn không thực hiện các quy định nêu trên sẽ bị xử lý VPHC theo Nghị định 46/2016 với mức xử phạt 3-5 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, thời gian qua do nhiều người dân chưa nắm được đầy đủ quy định nên nhiều hồ sơ không đủ điều kiện. Cụ thể, hồ sơ phải có đầy đủ bản sao đăng ký, đăng kiểm xe phải còn thời hạn. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định và phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN. Hơn nữa, không ít bộ hồ sơ bị tẩy xóa, không đáp ứng đủ điều kiện cấp phù hiệu. “Bình thường, buổi sáng cán bộ một cửa làm việc từ 8-11h và chiều từ 12-17h, nhưng để đảm bảo cho người dân được cấp phù hiệu nhanh chóng, cán bộ phải tăng thời gian, có những hôm buổi sáng làm đến tận 12h30 và chiều làm đến 18h30”, ông Long nói.

Tại TP.HCM, để giải quyết khối lượng lớn hồ sơ, ông Trần Chí Trung cho biết đã tăng cường nhân lực từ 4 người lên 16 người. Thời gian làm việc thay vì 8 tiếng/ngày tăng lên 14 tiếng/ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. “Đối với những hồ sơ đã nộp trong tháng 6 chưa được xử lý, để hỗ trợ người dân tránh bị xử phạt, đơn vị sẽ tập hợp lại gửi Sở GTVT để Sở đề xuất CSGT không xử phạt những xe trên. Còn với những hồ sơ nào gửi từ đầu tháng 7 thì khi bị kiểm tra, nhà xe sẽ bị xử phạt theo quy định”, ông Trung nói và cho biết, đây là lỗi do DN, người dân không đến đăng ký sớm, để đến khi cận ngày hoặc quá ngày mới đi làm thủ tục. 

Đối tượng nào phải gắn phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo Nghị định 86/2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô bao gồm 2 hình thức là kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

Về đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu và gắn thiết bị GSHT, Khoản 1, Điều 50 Thông tư 63/2014 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.

Trên cơ sở các quy định trên, đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (bao gồm các cơ sở sản xuất hoặc cửa hàng kinh doanh không phải là DN kinh doanh vận tải chỉ chở hàng hóa của mình, không chở hàng thuê) sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.

T.Duy

Hải Phòng: Đã cấp gần 2.000 phù hiệu “Xe tải”

Ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết: Hiện, Sở GTVT đã cấp 1.900 phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn. Trước đây, việc cấp phù hiệu diễn ra lẻ tẻ nhưng từ ngày 1/7 tới nay số phương tiện đến đăng ký cấp phù hiệu cho xe dưới 3,5 tấn tăng cao với 350 phù hiệu. Tuy vậy, tại Hải Phòng không xảy ra tình trạng căng thẳng, thủ tục cấp phù hiệu diễn ra nhanh chóng, các doanh nghiệp không phải chờ đợi.

V.Hòa

Nghệ An: Hơn 2.100 xe tải dưới 3,5 tấn được cấp phù hiệu

Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết, từ 1/7 tới nay, Sở đã tiếp nhận 28 hồ sơ đăng ký kinh doanh vận tải của 28 doanh nghiệp trên địa bàn.

Thống kê của Sở GTVT Nghệ An, đến hết ngày 5/7, có hơn 2.100 xe tải dưới 3,5 tấn được gắn thiết bị GSHT, cấp phù hiệu vận tải. Đây là một con số rất lớn chỉ sau 4 ngày quy định tại Nghị định 86 có hiệu lực. Cũng theo ông Hùng, hiện số lượng phương tiện chưa được cấp phù hiệu vẫn còn tương đối nhiều, Sở đã yêu cầu bộ phận một cửa kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ trong ngày. Toàn bộ các cán bộ, chuyên viên phòng vận tải được quán triệt nâng cao tinh thần phục vụ, sẵn sàng làm thêm giờ, làm cả thứ bảy, chủ nhật để giải quyết hồ sơ cho người dân.

Văn Thanh

Quảng Trị: Mới có 10% xe tải dưới 3,5 tấn được cấp phù hiệu

Thống kê của Sở GTVT Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có 4.500 xe loại dưới 3,5 tấn phải gắn phù hiệu “Xe tải” từ ngày 1/7. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% (450 xe) thực hiện.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết, đã yêu cầu các DN, HTX, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa nghiêm túc chấp hành quy định. Các thủ tục hướng dẫn về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu “Xe tải” đều có trên website điện tử của Sở GTVT Quảng Trị: sogiaothongvantaiqt@gov.vn hoặc website điện tử của Bộ GTVT: mt.gov.vn, hoặc liên hệ trực tiếp đến Sở GTVT Quảng Trị qua Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (số điện thoại 0233.3854099, địa chỉ 73 QL9, TP Đông Hà).

Duy Lợi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.