Biếu xe sang, đồng hồ hàng trăm nghìn USD
Trong cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành, cơ quan tố tụng đã làm rõ Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV doanh nghiệp này) đã mạnh tay chi 365.000 USD "chạy chọt" để lo cho doanh nghiệp đủ điều kiện cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Theo đó, để lo cho doanh nghiệp đủ điều kiện cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh mạnh tay chi tổng cộng 365.000 USD để đưa hối lộ.
Trong các bị can nhận hối lộ của bà trùm xăng dầu này, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị cáo buộc nhận hối lộ, trục lợi bằng tiền và tài sản với tổng giá trị 600.000 USD.
Những món quà ông Thọ được nhận rất xa xỉ, như bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng; đồng hồ nhãn hiệu Patek Philippe 421.000 USD; xe ô tô hạng sang hiệu Mercedes S450 Luxury hơn 6,6 tỷ đồng...
Với số tiền hơn 1 triệu USD mà ông Thọ khai nhận của Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Bí thư Bến Tre khai gửi 440.000 USD tại nhà em trai. Quá trình điều tra, em trai ông Thọ đã tự nguyện giao nộp lại cho cơ quan điều tra. Đến nay, ông Lê Đức Thọ và gia đình đã nộp 16,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Tương tự, bị can Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) bị cáo buộc chỉ đạo Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước của Bộ) tạo điều kiện sớm cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Ngày 22/12/2021, sau khi ký cấp giấy phép trên cho Xuyên Việt Oil, ông Đỗ Thắng Hải được bà trùm xăng dầu "cảm ơn" số tiền 50.000 USD (tương đương 1,139 tỷ đồng) ngay tại phòng làm việc của ông này ở trụ sở Bộ.
Cũng trong vụ án này, Viện Kiểm sát cho rằng hàng loạt cựu cán bộ của Bộ Công thương cũng nhận tiền hoặc quà tặng xa xỉ của doanh nghiệp để làm trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, bị can Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ tổng cộng 265.000 USD. Bị can Đặng Công Khôi (cựu Cục phó của Bộ Công thương) có hành vi nhận hối lộ 20.000 USD, Nguyễn Lộc An (cựu Vụ phó) nhận 400 triệu và chiếc đồng hồ Patek (ông An mang bán được 23.000 USD).
Một trường hợp khác là cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến trong vụ AIC ở địa phương này. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, khi tạo điều kiện cho Công ty Sông Hồng và Công ty AIC trúng thầu các gói thầu ở lĩnh vực y tế, ông Chiến nhận 3 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT Công ty AIC) và 1 tỷ đồng từ Công ty Sông Hồng.
Vào các dịp lễ và Tết từ năm 2013-2020, Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhiều lần gặp và đưa cho ông Chiến tiền cùng quà biếu tổng trị giá 10 tỷ đồng. Sau đó, cựu Bí thư Bắc Ninh sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Trong khi đó, bị can Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) cũng bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng từ bà Nhàn và phía Công ty Sông Hồng. Từ năm 2013-2019, ông Quỳnh còn nhận của bị can Nhàn 8,1 tỷ đồng rồi chi tiêu hết.
Nhận tiền, quà cảm ơn như một "thói quen khó bỏ"
Không chỉ có hành vi nhận hối lộ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp một hay hai lần, mà có những bị can là người có chức vụ, quyền hạn còn đều đặn nhận tiền và quà hối lộ trong nhiều năm.
Đó là trường hợp mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đưa ra cáo buộc đối với cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục) Nguyễn Đức Thái trong vụ án xảy ra tại đơn vị này.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2018-2021, ông Thái thông đồng, thống nhất từ trước với Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) để được trúng gói thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa với tổng giá trị hơn 2.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các bị can khai trong các năm từ 2018-2021, cứ đều đặn mỗi năm Tô Mỹ Ngọc đều đến phòng làm việc của ông Thái đưa số tiền 4 tỷ đồng để cảm ơn. Cách thức đưa tiền các năm cũng giống nhau, thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc đầu năm dương lịch. Mỗi lần như vậy, bị can Ngọc chuẩn bị 4 tỷ đồng được bọc kín rồi để vào túi đựng quà Tết.
"Sau đó, Ngọc xách theo túi tiền và một mình đến phòng làm việc của Thái. Khi vào phòng, Ngọc ngồi ở ghế đầu tiên (dãy kê 3 ghế ngồi), để túi tiền ở cạnh bàn uống nước và nói có chút quà biếu cảm ơn Thái đã giúp công ty trúng thầu", kết luận của cơ quan điều tra mô tả.
Đối với Nguyễn Trí Minh, cơ quan chức năng còn nêu rõ, bị can Thái sau khi nhận tiền tỷ của Minh còn đáp lại và dặn: "Cố gắng làm tốt, đừng để trục trặc gì xảy ra".
Tổng cộng, theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Thái đã nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng từ 2 chủ doanh nghiệp nêu trên. Đây là lý do làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Bản chất của tham nhũng là nhận hối lộ
Theo dõi nhiều đại án được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trong thời gian qua, thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội) nhìn nhận hầu hết bị can phạm tội về tham nhũng đều phải đối mặt với việc bị điều tra, truy tố, xét xử về tội Nhận hối lộ.
"Bản chất của tội phạm tham nhũng là hành vi nhận hối lộ. Điều này thường xảy ra đối với người có chức vụ, quyền hạn", thượng tá Vân phân tích.
Theo chuyên gia, đặc điểm loại tội phạm tham nhũng là họ đều có chức vụ nên am hiểu pháp luật. Vì thế, việc điều tra củng cố chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng phải rất thận trọng, dựa trên 4 yếu tố cấu thành tội phạm (theo quy định của Bộ luật Hình sự) thì mới đủ căn cứ kết tội.
Nhận hối lộ được thực hiện không chỉ thông qua việc nhận tiền, mà còn nhận tài sản hoặc những lợi ích vật chất khác nhau. Trong đó, quà tặng xa xỉ là một minh chứng điển hình về hành vi nhận hối lộ.
"Bản thân tội phạm nhận hối lộ xuất phát từ bản tính tham tiền và ham muốn vật chất. Do đó, họ sẽ tìm mọi cách, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để xóa dấu vết, che giấu hành vi", nguyên điều tra viên cao cấp chỉ ra.
Vì lẽ đó, hành vi phạm tội nhận hối lộ thường diễn ra trong thời gian dài nếu không bị phát hiện. Điều này thể hiện tính coi thường pháp luật của tội phạm tham nhũng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bị can/bị cáo trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng là những người có năng lực, có phẩm chất. Tuy nhiên, trong quá trình công tác họ thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của lợi ích vật chất.
Ngoài ra, trong nhiều vụ án gần đây xuất hiện tình tiết lợi dụng việc tặng quà theo truyền thống vào các dịp lễ, Tết để biến tướng thành hành vi đưa - nhận hối lộ.
"Người tặng quà đặt vấn đề luôn là muốn giúp đỡ việc này, việc kia và được người có chức vụ quyền hạn đồng ý. Từ đó, món quà trở thành vật ngang giá để thỏa thuận lợi ích nào đó", chuyên gia nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định của Đảng đã nêu rõ, hành vi nhận quà trái quy định, về góc độ Đảng và chính quyền sẽ bị xử lý kỷ luật.
Trường hợp nhận quà mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Còn hành vi nhận quà mà có sự thỏa thuận, đổi chác về việc thực hiện công việc theo yêu cầu của người tặng quà, thì sẽ xử lý về tội Đưa hối lộ, theo Điều 364 và tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận