Ngày 5/3, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức cho biết, ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) sẽ đệ trình đề xuất nhằm khuyến khích các quốc gia thuộc liên minh cùng mua thêm vũ khí từ các công ty thuộc châu Âu đồng thời hỗ trợ những công ty này tăng cường năng lực sản xuất.
“Chúng ta cần thay đổi mô hình, chuyển sang trạng thái kinh tế thời chiến, đồng nghĩa ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu sẽ chấp nhận mạo hiểm với sự hỗ trợ từ EU”, ông Breton nói.
Nhắc tới khả năng ông Donald Trump - một trong những ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, ông Breton cho rằng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, châu Âu sẽ cần nỗ lực nhiều hơn để tự bảo vệ mình.
Mới đây, ông Trump nêu quan điểm Mỹ sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không chi tiêu cho quốc phòng đạt mức cần thiết trong trường hợp những quốc gia này bị Nga tấn công.
“Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, châu Âu phải thực hiện trách nhiệm lớn lao hơn vì an ninh của khu vực, bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn biến ra sao”, ông Breton nêu quan điểm.
Đề xuất của ông Breton bao gồm thành lập chương trình bán thiết bị quân sự cho nước ngoài tương tự như Mỹ. Trong khuôn khổ chương trình này, Washington hỗ trợ các chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ những công ty quân sự của Mỹ.
Ngoài ra, ông Breton còn đề xuất EU yêu cầu các công ty vũ khí châu Âu ưu tiên những đơn hàng của châu lục trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng.
Để được thực thi, đề xuất cần được chính phủ 27 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu thông qua.
Đề xuất cũng sẽ được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghiên cứu kỹ càng. NATO cho biết tổ chức này hoan nghênh những nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ công tác phòng vệ của châu Âu nhưng cũng cảnh báo những nỗ lực này không được trùng lặp hoặc xung đột với hoạt động của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhiều quốc gia châu Âu đã tăng cường chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, một số quan chức EU cho rằng nếu các quốc gia EU hoạt động đơn lẻ thì sẽ kém hiệu quả và đề nghị các cơ quan của EU đóng vai trò quan trọng hơn trong chính sách công nghiệp quốc phòng của khối.
Theo các chuyên gia, chiến sự tại Ukraine đã phơi bày thực trạng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chưa chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp đối mặt với thách thức lớn, chẳng hạn như nhu cầu đột ngột về lượng lớn đạn pháo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận