Mới đây, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Phương Bắc (USNORTHCOM) của quân đội Mỹ, đồng thời là người chịu trách nhiệm vụ bắn hạ khí cầu Trung Quốc cho biết ông không rõ trước đây Không quân Mỹ từng thử nghiệm phóng tên lửa AIM-9 bắn hạ khí cầu hoạt động ở tầm cao như khí cầu Trung Quốc trong các đợt huấn luyện hay chưa.
Theo ông VanHerck, tiêm kích F-22 của Lực lượng Không quân Mỹ phóng tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên Đại Tây Dương ngày 4/2, quân đội Mỹ từng không chắc chắn liệu tên lửa có giá gần 400.000 USD này có bắn hạ thành công khí cầu Trung Quốc hay không. Bởi lẽ, tiêm kích F-22 hoạt động ở tầm cao 17.700m trong khi khí cầu Trung Quốc di chuyển ở độ cao 18.310-19.800m.
Tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder của Mỹ. Ảnh - AP
Cũng trong cuộc trao đổi với báo giới, ông VanHerck nhận được câu hỏi tại sao quân đội Mỹ quyết định sử dụng tên lửa AIM-9 tầm ngắn thay vì tên lửa tầm trung AIM-120 tiên tiến.
Đáp lại, ông VanHerck cho rằng tên lửa AIM-120 có phạm vi hoạt động lớn hơn đáng kể và đầu đạn lớn hơn so với tên lửa AIM-9 nên quân đội Mỹ quyết định không sử dụng loại tên lửa này khi xét đến những yếu tố về an toàn.
Ông VanHerck cho hay quân đội Mỹ đánh giá tên lửa AIM-9 có tính hiệu quả cao trong nhiệm vụ bắn hạ khí cầu Trung Quốc và nhận định này đã được chứng minh vào ngày 4/2.
Tên lửa AIM-9 Sidewinder là tên lửa siêu vượt âm tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại, mang đầu đạn có sức công phá lớn. Tên lửa này được Hải quân Mỹ phát triển vào những năm 1950 và được đưa vào biên chế của Lực lượng Không quân Mỹ vài năm sau đó.
Trong khi đó, tên lửa AIM-120 là loại tên lửa thế hệ mới, dài gần 3,7m - dài hơn đáng kể so với tên lửa AIM-9. Ngoài ra, tên lửa AIM-120 có trọng lượng 150kg, nặng hơn tên lửa AIM-9 nặng khoảng 85kg.
Trong nhiệm vụ ngày 4/2, Không quân Mỹ đã sử dụng tên lửa AIM-9X - phiên bản mới nhất của dòng tên lửa AIM-9.
Bên cạnh việc đây là lần đầu tiên tên lửa AIM-9 được sử dụng để bắn hạ khí cầu tầm cao, đây cũng là lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor để thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa không đối không bắn hạ mục tiêu.
Cuối cùng, khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ, rơi ở vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina, chìm xuống độ sâu 14m. Ông VanHerck cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu thu thập các mảnh vỡ để phục vụ cho công tác phân tích thành phần, tìm hiểu khả năng của thiết bị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận