Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cả 2 quốc gia đều đang nỗ lực quản lý căng thẳng leo thang với Bắc Kinh.
Đây là cuộc tập trận thường niên được tổ chức từ đầu những năm 2000, Mỹ và Ấn Độ thay phiên chủ trì. Sự kiện năm ngoái được tổ chức tại Alaska, còn sự kiện năm nay được tổ chức ở địa điểm cách Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) – biên giới ngăn cách các vùng lãnh thổ do Trung Quốc và Ấn Độ kiểm soát và đang tranh chấp gay gắt – khoảng 100km.
Trong cuộc tập trận ngày 29/11, các binh sĩ Ấn Độ đu dây từ trực thăng xuống để tiêu diệt các tay súng bên trong một ngôi nhà, mô phỏng các kỹ năng chiến đấu không vũ trang. Các hoạt động khác có sự tham gia của chó nghiệp vụ, phương tiện rà phá bom.
Một trực thăng chở binh sĩ Ấn Độ cất cánh trong cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Ấn Độ. Ảnh - AP
“Nhìn chung, đây là cơ hội trải nghiệm quan trọng cho phép hai bên cùng học hỏi lẫn nhau. Quân đội hai nước đã chia sẻ những cách thực hành tốt nhất” – Chuẩn tướng Pankaj Verma thuộc quân đội Ấn Độ cho biết.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định cuộc tập trận tập trung vào các kỹ năng giám sát, chiến tranh vùng núi, sơ tán người thương vong, hỗ trợ y tế trong điều kiện địa hình đồi núi. Hoạt động này cũng bao gồm các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, ứng cứu thảm họa, các hoạt động liên quan tới gìn giữ hòa bình.
Binh sĩ Ấn Độ và Mỹ tập trận chung. Ảnh - AP
Mặt khác, sự kiện này phản ánh mối quan hệ quốc phòng ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai bên đã tăng cường quan hệ quân sự vững chắc, ký 1 loạt hiệp ước quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác quân sự. Trong vài năm gần đây, quan hệ giữa hai bên lại càng được thúc đẩy vì có chung mối quan tâm là Trung Quốc.
Tại LAC, Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh vào năm 1962. Lần xung đột mới nhất xảy ra vào tháng 6/2020 khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc bị thiệt mạng tại vùng Ladakh, khiến hai nước điều hàng nghìn quân đồn trú dọc biên giới cùng với sự hỗ trợ của pháo binh, xe tăng, chiến đấu cơ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận