Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thông báo binh sĩ PLA được đặt trong trạng thái báo động và giám sát tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon của Mỹ khi tàu di chuyển qua Eo biển Đài Loan ngày 5/1. “Tất cả hoạt động đều trong tầm kiểm soát”, theo Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông của PLA.
Đồng thời, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng ra thông báo kêu gọi Mỹ “lập tức ngừng hành vi khiêu khích, leo thang căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan" và chỉ trích "tàu chiến Mỹ thường xuyên phô trương sức mạnh dưới danh nghĩa thực thi quyền tự do hàng hải”.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng theo dõi hoạt động của tàu khu trục USS Chung-hoon và cho biết không quan sát thấy bất thường trong lúc tàu di chuyển theo hướng bắc qua Eo biển Đài Loan.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan ngày 5/1.
Trước đó, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke USS Chung-hoon đã thực hiện hoạt động di chuyển thường kỳ qua Eo biển Đài Loan tại khu vực áp dụng quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
“Hoạt động của tàu Chung-hoon qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ hoạt động trên vùng trời, vùng biển và vận hành ở bất cứ khu vực nào được luật pháp quốc tế cho phép”, theo thông báo của Hải quân Mỹ.
Tàu khu trục của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan vài ngày sau khi quân đội Mỹ cho biết tiêm kích J-11 của Trung Quốc áp sát trinh sát cơ RC-135 của Không quân Mỹ đang làm nhiệm vụ trên không phận quốc tế ở Biển Đông vào ngày 21/12. Có thời điểm, máy bay Trung Quốc bay cách cánh máy bay Mỹ khoảng 3m, khiến trinh sát cơ Mỹ buộc phải bẻ lái để tránh va chạm.
Đáp lại, Bắc Kinh chỉ trích hành vi “khiêu khích” của Mỹ, cho rằng việc Washington thường xuyên điều tàu chiến, máy bay thực hiện hoạt động trinh sát ở cự ly gần trong khu vực đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8. Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, lên án chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Nhằm phản ứng, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận với quy mô chưa từng có xung quanh hòn đảo sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến thăm. Trung Quốc cũng thông báo tạm dừng đối thoại với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đối thoại quân sự cấp cao.
Hiện tại, Mỹ đang là đối tác cung cấp vũ khí chính của Đài Loan bất chấp phản đối từ Trung Quốc. Tháng trước, Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Cùng tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 10 tỷ USD cho Đài Loan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận