Thế giới

Quân đội Trung Quốc ra sao sau "cải tổ toàn diện"?

15/03/2017, 08:24

China Daily cho hay, trong gần một năm qua Trung Quốc bước vào giai đoạn cao trào chiến dịch cải tổ quy mô lớn...

10

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên tàu sân bay Liêu Ninh (Ảnh Xinhua)

China Daily cho hay, trong gần một năm qua Trung Quốc bước vào giai đoạn cao trào chiến dịch cải tổ quy mô lớn đối với quân đội nước này nhằm nâng cao khả năng tác chiến với một đạo quân hiện đại, sẵn sàng ứng phó với các thách thức của chiến tranh trong kỷ nguyên mới.

Cải cách toàn diện các lực lượng vũ trang

Theo China Daily, công cuộc cải tổ quân đội Trung Quốc đã thu được những kết quả nổi bật và chưa từng xuất hiện trong hàng chục năm qua.

Cơ cấu lãnh đạo trong các cơ quan chỉ huy cấp cao thuộc quân đội (PLA) từ cấp Bộ Quốc phòng đến Quân ủy Trung ương Trung Quốc đều có sự thay đổi. Đội ngũ chỉ huy các quân khu, tập đoàn quân lớn của PLA được tổ chức lại gần như toàn bộ, quân số thường trực giảm trong khi có nhiều đơn vị mới được thành lập để chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh mạng, không gian tiềm tàng trong tương lai.

Tác giả của những thay đổi lớn trong toàn bộ các cấp chỉ huy của PLA chính là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập bắt đầu có những chính sách cải tổ đối với toàn bộ PLA kể từ khi ông được bầu làm nhà lãnh đạo cao nhất nước này năm 2012.

Sau gần một năm chuẩn bị, tháng 11/2013, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CMC) bắt đầu ra chỉ thị tiến hành chính sách cải tổ toàn diện đối với hệ thống phòng thủ quốc gia nói chung và PLA nói riêng.

Tháng 3/2014, CMC thiết lập một nhóm lãnh đạo đặc biệt dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, tiến hành phác thảo kế hoạch đại cải tổ quân đội. Tháng 7/2015, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chính thức thông qua lộ trình cải cách toàn diện đối với các lực lượng vũ trang của nước này.

Đáng chú ý, cuộc cải cách của Trung Quốc không được công bố chính thức cho tới ngày 3/9/2015 khi Bắc Kinh tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II và Cuộc kháng chiến chống Phát xít Nhật (1937 – 1945). Tại sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố rằng, chỉ trong hai năm PLA đã cắt giảm được một số lượng lớn gồm 300 nghìn quân.

Tiết lộ của ông Tập khi ấy đã khiến nhiều nhà quan sát quân sự nước ngoài bất ngờ, tuy nhiên, theo China Daily, họ đã nhanh chóng nhận ra rằng, đó mới chỉ là sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử PLA.

Xây dựng lực lượng ứng phó chiến tranh mạng

CMC hiện nay đang đẩy mạnh các chính sách với hy vọng từ nay đến cuối năm 2020, Trung Quốc phải đạt được mục tiêu xây dựng PLA trở thành một lực lượng có đủ khả năng “đánh thắng” trong các cuộc chiến tranh hiện đại vốn có đặc trưng của chiến tranh thông tin và khả năng phối hợp giữa các quân binh chủng.

Ngay từ cuối năm 2015, các tổng hành dinh của lực lượng Lục quân, Tên lửa, Hậu cần chiến lược của PLA đã được thiết lập.

Đây chính là một trong những cải cách nổi bật nhất, đánh dấu mốc mới trong lịch sử PLA, bởi nó đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ các quân binh chủng, lực lượng phối thuộc của PLA không có cơ chế chỉ huy chung trong suốt 88 năm qua.

Trước đó, PLA không có các tổng hành dinh riêng cho các quân binh chủng phối thuộc bởi các đơn vị thuộc PLA nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của CMC. Ví dụ, Tư lệnh của 7 quân khu của Trung Quốc trước đó chủ yếu giám sát và dành ưu tiên cho các đơn vị thuộc lực lượng Lục quân do mình kiểm soát, còn lại các đơn vị phối thuộc luôn bị xem nhẹ dẫn đến hiện trạng chỉ huy thống nhất.

Với mô hình mới mà các cộng sự của ông Tập Cận Bình đề ra, PLA sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn có tính dài hạn, đó là tạo ra hệ thống chỉ huy thông suốt, giảm chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm và cải thiện được khả năng tác chiến hợp thành giống mô hình của Mỹ.

Ngoài ra, các lãnh đạo được bổ nhiệm nắm các tổng hành dinh quân binh chủng, tư lệnh các đại quân khu lớn trong toàn PLA đều là những người có kinh nghiệm, năng lực và trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Song song với việc cải tổ hệ thống chỉ huy, kiểm soát, ông Tập cũng đã chỉ đạo rốt ráo cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội – nơi được xem như một “vương quốc độc lập” ít khi bị đụng chạm từ trước đến nay.

Từ khi ông Tập lên làm Chủ tịch nước, đã có 7 sỹ quan cao cấp, trong đó có cả Chính ủy Không quân Trung Quốc, Tư lệnh Cảnh sát vũ trang... bị thay thế và điều tra về những cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực.

Bên cạnh đó, hơn 50 sỹ quan từ cấp đại tá đến cấp tướng trong PLA đã bị bãi chức, buộc tội, điển hình trong đó có tướng Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Cốc Tuấn Sơn...

Tập trung tăng sức mạnh hải, không quân

Một trong những trọng tâm, nằm trong quy hoạch cải tổ PLA, Trung Quốc sẽ thực hiện trong những năm tới là hiện đại hóa các trang bị quan trọng như tên lửa chiến lược, tàu sân bay và máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Lực lượng tên lửa chiến lược của PLA vừa thực hiện xong một vụ bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân tấn công đa hướng, khó đánh chặn.

Gần đây, tại phiên khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vừa diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố nước này sẽ tăng cường phòng thủ trên không và trên biển để đối mặt với “các tình huống phức tạp, nghiêm trọng”.

Lực lượng Không quân Trung Quốc đã bắt đầu nhận được các máy bay vận tải chiến lược Y-20, tiêm kích tàng hình J-20 đang được sản xuất hàng loạt. Các dự án nghiên cứu, chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ kế tiếp cũng đang được đầu tư với nguồn lực và ưu tiên lớn.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc có thêm nhiều chiến hạm được trang bị hiện đại. Tàu sân bay Liêu Ninh đang được dùng làm phương tiện huấn luyện, thực hành.

Ngoài ra, Trung Quốc dự kiến sẽ chuyển nhiều đơn vị tác chiến trên bộ thành các đơn vị Thủy quân lục chiến trực thuộc điều hành của Hải quân. Bắc Kinh dự định sẽ tăng gấp bốn lần lực lượng Thủy quân lục chiến so với thời điểm hiện nay.

Cụ thể, PLA có kế hoạch tăng quân số Thủy quân lục chiến hiện tại từ 20 nghìn lên đến 100 nghìn người nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ cái gọi là “các tuyến đường biển quan trọng của mình và những lợi ích quốc gia” ngày càng tăng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.