Cầu Yalu nối Triều Tiên và Trung Quốc (Ảnh chụp tháng 9/2014) |
Trong bối cảnh Triều Tiên vừa thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 5 gây rúng động thế giới, nhiều nguồn tin nghi ngại quan hệ Trung - Triều không còn êm đẹp và Trung Quốc không đủ khả năng để gây áp lực buộc Triều Tiên phải kiềm chế hạt nhân. Nội tình có thể chưa rõ nhưng nhìn qua các dự án giao thông hợp tác giữa hai nước cũng phần nào nói lên được nhiều điều.
Dang dở cầu mới
Trung Quốc và Triều Tiên từng cùng nhau ký kết rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối biên giới hai nước với hy vọng nâng cao đời sống cho người dân đôi bên. Mới đây nhất là dự án cầu mới bắc qua sông Yalu, dài 3km, nằm trong dự án Vùng đất mới Dandong. Cầu Yalu được đánh giá là biểu tượng của thời đại mới trong quan hệ giữa hai nước, kết nối dòng đầu tư đáng kể tới các khu vực thương mại tự do mà Trung Quốc và Triều Tiên cùng quản lý.
Cây cầu trị giá 2,2 tỷ NDT (tương đương 330 triệu USD) được xây hoàn toàn bằng vốn của Trung Quốc, nhưng đã “trễ hẹn” thông cầu hơn hai năm. Theo kế hoạch, cây cầu này được hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến năm ngoái, cầu mới được hoàn tất một phần và việc xây dựng hiện đang bị bỏ dở. Phía Trung Quốc không tiết lộ lý do song nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân vì Triều Tiên hủy dự án. Địa điểm xây dựng cầu từng được tung hô là đắc địa. Đến nay, ở phía Trung Quốc đang bị bỏ hoang và đóng cửa, phía Triều Tiên thì dở dang, nằm lửng lơ giữa cánh đồng. Đường dẫn lên cầu và các tuyến đường kết nối chưa được xây dựng.
Trong bối cảnh Triều Tiên vừa thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 5 với quy mô lớn nhất chưa từng có ngày 9/9 vừa qua và Bình Nhưỡng vốn chịu lệnh trừng phạt mạnh của LHQ mà Bắc Kinh cam kết ủng hộ, có lẽ, cầu Yalu dang dở khó hoàn thành trong một sớm một chiều.
Cầu Hữu nghị Trung - Triều tạm đóng cửa để sửa chữa |
Thực tế, xung quanh cây cầu này hoàn toàn khác với những gì mà truyền thông Trung Quốc và Triều Tiên từng ca tụng năm 2012 rằng khi cầu Yalu kết nối biên giới hai nước, Vùng đất mới Dandong sẽ phát triển mạnh tương tự như vịnh Causeway - một trong những khu vực thương mại bận rộn nhất tại Hồng Kông. Lúc đó, truyền thông dự đoán, cây cầu này có thể phục vụ 50 nghìn người và 20 nghìn phương tiện từ Trung Quốc sang Triều Tiên mỗi ngày.
Bất đồng cầu cũ
Cách cây cầu trên khoảng 8km, Triều Tiên và Trung Quốc vốn kết nối với nhau bằng cầu đường sắt cũng bắc qua sông Yalu, mang tên cầu Hữu nghị Trung - Triều, hoạt động suốt hơn 70 năm nay. 9h30 một sáng tháng 8 vừa qua, nhiều xe tải, container xếp hàng bên ngoài trạm hải quan trước khi vào Trung Quốc. Đây là khu vực biên giới giữa hai nước hoạt động náo nhiệt nhất. Tuy nhiên, thương lái địa phương cho biết, lưu lượng giao thông tại khu vực này sụt giảm kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Triều Tiên vào tháng 4 để trừng phạt sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1.
Tiếp nữa, tháng 8 vừa rồi, hai nước khởi động công tác bảo trì và sửa chữa hệ thống đường ray trên cầu đường sắt này trong 40 ngày. “Trong suốt thời gian sửa chữa, không chỉ tàu mà cả các phương tiện khác cũng không được phép lưu thông”, theo Yonhap. Và việc kéo dài thời gian sửa chữa ảnh hưởng khá lớn tới tình hình thương mại.
Theo một nguồn tin khác của Yonhap, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh gặp bất đồng khi quyết định thời gian bảo trì cầu. Triều Tiên đề xuất chỉ nên sửa chữa cầu trong vòng 10 ngày vì lo ngại ảnh hưởng tới tình hình vận chuyển hàng hóa tác động trực tiếp tới nền kinh tế vốn kiệt quệ vì các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn sửa chữa trong 40 ngày để đảm bảo an toàn. Toàn bộ chi phí sửa chữa do Bắc Kinh chi trả. Tờ Bưu điện Hoa Nam nhận định, cây cầu này chứng kiến sự biến động về lưu lượng người qua lại trong hai năm trở lại đây, phần nào phản ánh mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận