Ông Thomas Ho, Giám đốc Thương mại khối Năng lượng tái tạo của GE tại châu Á - Thái Bình Dương và ông Hồ Xuân Hùng, Giám đốc HTL thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp tua-bin gió |
“Trong 20 năm qua, có những điều mà ngay cả tôi là người trong cuộc cũng không ngờ tới, ví dụ như kim ngạch thương mại hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam, từ chưa đầy nửa tỷ đô la nay đã lên đến 35 tỷ và còn tăng cao hơn nữa trong tương lai rất gần”, ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ nói.
Hiện thực hóa tham vọng
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ tại Hà Nội mới đây, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng (nhậm chức năm 1996), kể: Sau khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt - Mỹ có hiệu lực vào tháng 12/2001, Mỹ đã mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập. Và ngay trong năm đầu tiên, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này đã tăng gấp đôi. Tiếp đến, khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, thương mại song phương đạt 451 triệu USD, theo con số của Đại sứ quán Mỹ. Không dừng ở đó, sau 20 năm, đến nay con số này đã tăng lên tới hơn 35 tỷ USD.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với hơn 700 dự án, tổng vốn gần 11 tỷ USD. Nếu tính theo quy mô, vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,2 triệu USD. Tuy vậy, con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam, do có một số công ty như: Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter &Gamble, Chevron, Conoco Phillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con tại một số nước khác như: British Virgin Islands, Singapore hay Hồng Kông...
Hết quý I/2015, Hoa Kỳ có 720 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,989 tỷ USD; xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong quý I/2015, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư 8 dự án mới với tổng số vốn đạt 67,83 triệu USD. |
Nhìn vào con số đầu tư của Mỹ tại Việt Nam, tân Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Ted Osius vẫn chưa hài lòng. Ông nói: “Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước. Tôi có tham vọng Mỹ không phải đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ hai hay thứ ba ở Việt Nam, mà phải ở vị trí số 1”.
Tham vọng của tân Đại sứ hoàn toàn có cơ sở hiện thực hóa. Bởi Việt Nam và Hoa Kỳ đang đặt mục tiêu hoàn thành vòng đàm phán song phương Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong năm nay. TPP được cả hai bên coi là “cú hích” mới trong quan hệ kinh tế thương mại song phương. Đại sứ Osius cho hay, ông sẽ quyết tâm phát huy nội lực bản thân để trở thành một nhân tố tích cực đóng góp vào mối quan hệ kinh tế thương mại song phương này. Đại sứ Osius cũng thông tin rằng, ông đã làm việc với nhiều công ty Mỹ hiện đang đầu tư tại Việt Nam và phát đi thông điệp sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp này khi họ gặp khó khăn hay thắc mắc về thủ tục cũng như các vướng mắc khi đầu tư tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư Mỹ, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi và các doanh nghiệp Việt Nam rất thiện chí hợp tác. Bên cạnh đó là chi phí nhân công rẻ, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, đặc biệt là tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ổn định. Đây là tín hiệu để kỳ vọng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Thế giới, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cũng nhận định: “Cơ hội để Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam là hoàn toàn có khả năng bởi vì các lợi thế trong nhóm TPP, Việt Nam gần như ở nhóm thấp nhất về giá tài nguyên, lao động...”. Chuyên gia này cũng cho rằng, so với các nhà đầu tư hiện đang đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư Mỹ thường là “ông lớn”, vốn lớn. Do đó, kể cả khi chưa có sự ồ ạt tràn vào, thì một nhà đầu tư Mỹ chỉ cần mang 1 tỷ USD vào đầu tư, nền kinh tế đã khác.
2015 - năm của TPP
Tham gia hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, ông Trần Đình Lương, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương), nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt - Mỹ của Việt Nam đánh giá, nếu BTA mở ra một cánh cửa cho Việt Nam bước vào con đường hội nhập thì nay TPP sẽ làm cho Việt Nam trở nên khác biệt hơn các nước trong khối ASEAN.
Theo ông Lương, khi tham gia TPP, sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ càng tăng lên. Năm 2013, có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu và quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2014 con số này tăng lên 33 doanh nghiệp và trong năm 2015 này cũng như sau khi Việt Nam gia nhập TPP, số doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt xa con số trên.
Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông (Amcham Hồng Kông), Việt Nam đang là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc như: Tập đoàn Nike, Inc, Tập đoàn dệt may Mast Industries.Ltd, P&G…
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng, động thái đầu tư vào Việt Nam của Mỹ đến nay vẫn chưa rõ ràng bởi người Mỹ không đầu tư theo hình thức mạo hiểm. “Bao giờ TPP được ký kết người ta mới triển khai, bởi người Mỹ đã làm gì cũng tính toán chắc chắn, lâu dài và dài hạn. Có thể bây giờ kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đang đặt trên bàn họ nhưng khi TPP chưa được ký kết, họ sẽ chưa vận hành gì”, ông Sơn lý giải cụ thể hơn.
Dù vậy, một điều đáng để kỳ vọng là năm 2015, kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, hai nước đã đặt mục tiêu hoàn thành đàm phán song phương Hiệp định TPP, mở ra những cơ hội thương mại hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận