Giao đất 5 năm, chưa biết còn hay mất
Không còn sổ đỏ, Xóm trưởng Dục giữ những bản cam kết gần như không có giá trị pháp lý từ doanh nghiệp
Về xóm Khòe, xóm Pu (xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) những ngày này, đâu đâu người dân cũng bàn tán về việc nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện này cùng nhiều cán bộ vừa bị Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố, bắt giam để điều tra vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Ông Khà Văn Dục (Trưởng xóm Khòe) buồn rầu chia sẻ: “Giờ chúng tôi chỉ mong sớm lấy lại được sổ đỏ và đòi lại được đất để sản xuất. Giao đất cho doanh nghiệp đã 5 năm rồi, mà giờ hết thời hạn không thấy huyện hay doanh nghiệp nói gì đến việc trả lại”.
Theo ông Dục, vào đầu năm 2017, được sự giới thiệu của huyện, xã, ông Trịnh Văn Yên, Giám đốc và ông Hà Công Nhàn, Phó giám đốc Công ty Yên Ngần về đặt vấn đề với xóm để thuê lại toàn bộ diện tích đất khai hoang sản xuất của người dân phục vụ dự án trồng rừng và làm du lịch nông nghiệp.
“Khi đó, họ nói và viết cả cam kết có xác thực của UBND xã là sẽ thuê đất trong vòng 50 năm để làm dự án. Trong thời gian này, họ cam kết thuê lao động là người dân trong xóm, mỗi xóm 100 người, mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đất của chúng tôi nếu trước đây trồng ngô, sắn thì mỗi năm thu lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha.
Khi có người về thuê lại đất làm dự án, hứa hẹn trả lương 1 tháng bằng lao động cả năm thì ai nấy đều mừng và đều ủng hộ. Nhất là lại có cán bộ xã, cán bộ huyện đứng ra bảo đảm thì còn lo gì nữa”, ông Dục kể.
Sau nhiều cuộc họp và bàn thảo, cuối cùng các hộ dân thuộc xóm Khòe đã thống nhất để đại diện xóm ký vào “Biên bản hợp đồng thuê đất” với Công ty Yên Ngần.
Dự án trồng rừng gắn với phát triển kinh tế đa dạng và du lịch nông nghiệp bền vững, sau 5 năm chỉ là những ngọn đồi trọc với cây tạp và một vài cây keo chết khô do lâu ngày không có người chăm sóc
Trong biên bản này, xóm cho thuê 548.693m2 đất với thời hạn 50 năm. Trong 5 năm ký hợp đồng 1 lần, nếu hết 5 năm công việc ổn định, bà con sẽ nhường 140ha cho công ty tiếp tục hoạt động để tạo công ăn việc làm cho bà con.
“Hợp đồng ký xong, phía công ty hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng, ngoài ra còn kiểm đếm và đền bù cây cối trên đất với giá 100.000 đồng/cây lác, 40.000 đồng/cây xoan, keo là 10.000 đồng... Tính ra nhà được hỗ trợ, đền tiền nhiều nhất cũng chỉ có gần 10 triệu đồng, còn bình quân khoảng 3 - 4 triệu đồng.
Sau đó, chúng tôi chuyển sổ đỏ cho địa chính xã, rồi địa chính xã nộp lên huyện. Khoảng 1 tháng họ về thuê dân làm cho họ thật.
Nhưng chỉ làm mỗi người được 11 - 12 ngày công thì không thuê nữa với lý do không có việc. Đất bỏ không từ đó đến nay, bà con không có đất sản xuất”, ông Dục kể.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra ở 3 xóm còn lại là xóm Pu, xóm Te và xóm Nám. Ông Lường Văn Hưng, công chức địa chính xã Xăm Khòe xác nhận: “Có tất cả 280 hộ bị thu hồi đất với diện tích khoảng 1.500.000m2. Đây đều là đất người dân khai hoang trồng rừng sản xuất, bìa giao cho cộng đồng (xóm) quản lý. Ngoài ra, huyện còn thu hồi 4 sổ đất rừng phòng hộ ở xóm Te”.
Ông Hà Lâm Phúc, Phó chủ tịch xã Xăm Khòe nói thêm: “Những lần tiếp xúc cử tri gần đây, cử tri bày tỏ mong muốn xã, huyện và Công ty Yên Ngần trả lại đất canh tác cho người dân. Nhưng có vướng mắc là trước đây Công ty Yên Ngần đã bồi thường tiền cho dân, giờ đòi lại đất thì người dân không có tiền hoàn trả lại cho công ty”.
Quan huyện “ngã ngựa”, cán bộ vướng lao lý
Xóm trưởng xóm Khèo chỉ tay về những quả đồi bỏ hoang vì lỡ giao cho doanh nghiệp làm dự án
Từ phản ánh của người dân xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu, năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc xác minh.
Quá trình điều tra, công an xác định, năm 2017, Phòng TN&MT huyện Mai Châu đã tham mưu cho ông Hà Công Thẻ (thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện) ký, ban hành quyết định thu hồi khoảng 1.500.000m2 đất nông nghiệp tại xã Xăm Khòe không thuộc các trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, ông Thẻ ký, ban hành quyết định cho thuê 2.300.000m2 đất (gồm cả 800.000m2 đất rừng phòng hộ) để thực hiện dự án trồng rừng gắn với phát triển kinh tế đa dạng và du lịch nông nghiệp bền vững, vi phạm quy định về điều kiện, đối tượng, thẩm quyền cho thuê đất rừng theo quy định Luật Đất đai năm 2013.
Từ chứng cứ thu thập được, ngày 25/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại UBND huyện Mai Châu.
Đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hà Công Thẻ (61 tuổi, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mai Châu) và các bị can gồm: Hà Công Pình (64 tuổi, nguyên Trưởng Phòng TN&MT huyện Mai Châu), Khà Văn Thảnh (47 tuổi, Trưởng Phòng TN&MT huyện), ông Trần Ngọc Sơn (58 tuổi, chuyên viên Phòng TN&MT).
Hiện do vụ án đang trong quá trình điều tra, nên các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. “Phía Huyện ủy Mai Châu đã có báo cáo ban đầu lên thường trực Tỉnh ủy. Dự kiến trong vài ngày tới, Huyện ủy sẽ họp để xem xét thi hành kỷ luật về mặt Đảng đối với các cá nhân liên quan”, Chánh văn phòng Huyện ủy Mai Châu cho biết.
Về phía nhà đầu tư - Công ty TNHH Yên Ngần, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Trịnh Văn Yên, Giám đốc Công ty khẳng định: “Các vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục chúng tôi đều đã làm với huyện theo các quy định của Nhà nước và Luật Đất đai. Nếu bây giờ thấy cần trả cho dân thì tôi trả, mà được làm tiếp thì tôi làm. Còn rõ ràng đi đầu tư phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với người dân và Nhà nước”.
Theo luật sư Phạm Quân (Văn phòng Luật sư Quang Vinh), qua thông tin người dân, xã cung cấp, có thể thấy sai phạm xuất phát từ việc lãnh đạo huyện nóng lòng thu hút đầu tư, muốn kéo doanh nghiệp, dự án về nhằm mục đích phát triển kinh tế cho huyện nhà, nhất là đối với huyện miền núi như Mai Châu.
Tuy nhiên, qua sự việc cụ thể cho thấy công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng (rừng phòng hộ) trên địa bàn huyện Mai Châu còn có những sai phạm.
Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện thủ tục thu hồi, cho thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng gắn với phát triển kinh tế của huyện, vì lý do nào đó mà các đơn vị có thẩm quyền tham mưu cho UBND huyện chưa đúng với quy hoạch, chưa đủ điều kiện, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ dẫn đến vi phạm về quản lý đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Với những dấu hiệu đã nêu thì người liên quan có thể vi phạm vào 1 hoặc nhiều hành vi liên quan đến các quy định về quản lý, sử dụng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, được quy định tại các điều 228, 229, 230 Bộ luật Hình sự. Tội phạm và khung hình phạt cụ thể thì cần đợi khi cơ quan điều tra làm rõ và ra kết luận điều tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận