Rác thải y tế nguy hại được để lẫn trong chất thải y tế |
Xả thẳng ra môi trường
Ngày 18/6, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, đến nay cả nước mới chỉ có gần 200 lò đốt chuyên dụng. Trong đó, có 2 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TP HCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ. Gần 200 chiếc lò đốt này hiện phải xử lý lượng rác thải y tế cho 435 bệnh viện, chiếm khoảng 40% số bệnh viện trên toàn quốc.
"Vấn đề xử lý rác thải y tế sẽ tiếp tục làm ngành quản lý thêm đau đầu bởi năm 2015, con số rác thải y tế sẽ là trên 700 tấn/ngày và khoảng 930 tấn/ngày vào năm 2020. Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường y tế, ngành Y tế cũng đang phải chi trung bình 1,2 triệu đồng/giường bệnh/năm...”.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga |
Hiện cũng còn khoảng 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công và số còn lại ký hợp đồng thuê đơn vị ngoài xử lý. Bên cạnh đó, cũng mới có 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế. Do đó, trong 350 -500 tấn chất thải y tế mỗi ngày, thì chỉ có 1/3 được đốt bằng lò đốt hiện đại, đảm bảo an toàn môi trường; số còn lại được tiêu hủy bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện, hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung, nơi có đông dân cư sinh sống. Đây thực sự là một ẩn họa cho cuộc sống của người dân.
Theo ông Nga, điều khó khăn nhất hiện nay đối với công tác xử lý rác thải y tế là kinh phí. Tại nhiều cơ sở y tế, hiện hệ thống xử lý chất thải đã xuống cấp, quá tải cần đầu tư xây dựng mới, nhưng việc vừa phải lựa chọn công nghệ thân thiện với môi trường vừa có giá thành đầu tư hợp lý đang là bài toán rất khó giải quyết.
Vi phạm tràn lan
Sự thiếu thốn hệ thống xử lý chất thải y tế cùng những “lỗ hổng” quản lý rác thải y tế đã khiến vi phạm trong lĩnh vực này diễn ra tràn lan. Theo Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vi phạm phổ biến là cơ sở y tế còn nhầm lẫn trong phân loại và không bố trí nơi lưu trữ riêng biệt chất thải y tế nguy hại, dẫn tới hiện tượng chuyển giao chất thải tái chế, chất thải sinh hoạt có lẫn chất thải nguy hại ra bên ngoài. Đáng lưu ý, một số cơ sở y tế lợi dụng quy trình quản lý chất thải y tế lỏng lẻo, đã trộm cắp, “tuồn” các chất thải y tế ra ngoài bệnh viện để bán cho các đầu nậu thu gom sử dụng làm nguyên liệu tái chế sản xuất các vật dụng sinh hoạt.
Ông Bình cho biết, hiện còn tồn tại tình trạng nhiều cơ sở y tế nhỏ làm hợp đồng “trên giấy” với các đơn vị có lò tiêu hủy để đối phó với cơ quan chức năng, nhưng thực tế lại “tự xử” rác thải y tế. Như vụ việc mới đây được C49 phát hiện, đó là Phòng khám Đa khoa phía Nam (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội), dù đã ký hợp đồng xử lý rác thải nguy hại với Khoa Kiểm soát chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai, nhưng thực tế không chuyển giao cho Bệnh viện Bạch Mai mà vứt ra xe gom rác thải sinh hoạt.
Theo ông Bình, nguyên nhân dẫn tới vi phạm trong xử lý chất thải y tế là do nhận thức của lãnh đạo và cán bộ y tế trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường chưa cao; một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân vì lợi nhuận đã trốn tránh nghĩa vụ xử lý chất thải y tế… “Do đó, cần có quy định cơ chế trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người đứng đầu các cơ sở y tế; có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh để phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực này”, ông Bình đề xuất.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận