Xã hội

Quản lý lỏng, doanh nghiệp nợ thuế gần 43.000 tỷ đồng vẫn “cao chạy xa bay"

21/11/2019, 14:09

Doanh nghiệp thành lập “trong tích tắc” nhưng quản lý lỏng lẻo khiến cơ quan chức năng muốn tìm để đòi nợ cũng không biết doanh nghiệp ở đâu.

img
Tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là gần 43.000 tỷ đồng, chiếm tới 48,7% tổng số tiền nợ thuế

Cơ quan thuế không tìm được doanh nghiệp mà đòi nợ

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, tình hình nợ đọng thuế hiện nay vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8 là 88.253 tỷ đồng (tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018). Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là gần 43.000 tỷ đồng, chiếm tới 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Cơ quan quản lý thuế đánh giá lí do nợ thuế vì người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước...

Trước tình hình này, Chính phủ đề xuất “xóa nợ”, khoanh nợ khó đòi. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng thuận với đề xuất này và cho rằng cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

Chiều 20/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các đại biểu Quốc hội một lần nữa lên tiếng về các khoản nợ thuế “khổng lồ” khó đòi, các đại biểu dẫn giải mấu chốt chính là do thủ tục quá dễ dãi và sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan có thẩm quyền nên doanh nghiệp lợi dụng để nợ thuế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ sự bất bình khi Quốc hội thảo luận rất nhiều để ra Nghị quyết khoanh nợ, rồi xóa nợ tiền thuế đối với một số doanh nghiệp, đối với một số người nộp thuế mà bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, số tiền nợ thuế rất cao.

“Do thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp chúng ta hiện nay tôi thấy là quá dễ. Đăng ký thành lập doanh nghiệp là trong tích tắc, gửi đăng, gửi bảng sau, thẻ căn cước hoặc ký rồi gửi các bản sao, gửi các bản sao thẻ căn cước hoặc là chứng minh nhân dân thành lập doanh nghiệp, có cardvisit in giám đốc doanh nghiệp… Doanh nghiệp hoạt động đến khi nợ thuế, không thu được thuế, cơ quan thuế đến thì địa chỉ kinh doanh không đúng…” - đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn.

Quản chặt để tránh thất thu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh quan điểm cần phải minh bạch làm rõ các thủ tục, nhưng không có nghĩa quá dễ dãi và cần phải có hậu kiểm trong việc đăng ký kinh doanh để có thể tạo được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và trong sạch.

Đồng quan điểm nói trên, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) cho hay: Việc cấp đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký kinh doanh cần được tổ chức thống nhất để tránh bất cập như hiện nay.

“Đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan cấp đăng ký doanh nghiệp thống kê được số lượng doanh nghiệp, nhưng thực tế doanh nghiệp hoạt động hay không hoạt động hay không làm nghĩa vụ thuế thì cơ quan đăng ký không cung cấp được. Đây là bất cập”, đại biểu Quang bày tỏ chính kiến.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đề nghị phải có một tổ chức thống nhất về việc đăng ký doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh thống nhất với nhau để hạn chế những tồn tại như đã xảy ra trong thời gian qua.

Trước đó, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng thất thu thuế nguyên nhân là do cơ quan quản lý, đó là lỗ hổng quá lớn.

“Làm sao nhà nước lại không biết 200.000 doanh nghiệp và 600.000 cá nhân có còn kinh doanh hay không? Họ ở đâu?” - đại biểu Thành đặt câu hỏi và cho rằng “đây không chỉ là vấn đề thất thu thuế, điều này cho thấy lỗ hổng khi họ làm gì, có phạm pháp hay không mà cơ quan quản lý cũng không nắm được”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.