Xã hội

Quản lý ngân sách nhà nước, Việt Nam không thể "một mình một kiểu"

16/11/2018, 17:54

Trên thế giới, hiện chỉ có Việt Nam là có 2 Bộ cùng quản lý ngân sách.

tran-quang-chieu

ĐBQH Trần Quang Chiều - uỷ viên thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách

Đó là thông tin được Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Trần Quang Chiểu nhấn mạnh khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công chiều 16/11.

Quản lý ngân sách phải quy về một mối

Theo ông Chiểu, sửa Luật Đầu tư công cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Thực tế qua đánh giá, ông cho rằng việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền chúng ta bỏ ra. Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất là việc quản lý NSNN còn phân tán. Do vậy, cần đưa nhiệm vụ quản lý chi đầu tư phát triển từ NSNN hay còn gọi là đầu tư công về một bộ quản lý về NSNN, khắc phục tồn tại cố hữu hiện nay trong quản lý NSNN.

“Hiện nay, ở nước ta NSNN do 2 cơ quan quản lý là Bộ Kế hoạch đầu tư quản lý phân bổ, chi đầu tư còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý NSNN. Từ đó làm giảm hiệu quả chi NSNN, sử dụng NSNN phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư” – ông Chiểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phải theo một quy trình đầy đủ từ đưa dự án vào kế hoạch, triển khai dự án, giải ngân, quyết toán, bảo hành, bảo dưỡng công trình và đánh giá hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong tất cả quy trình trên, Bộ KH-ĐT chỉ thực hiện nhiệm vụ phân bổ kế hoạch, vốn đầu tư trong nước, nguồn NSNN không nắm rõ hết được các quy trình khác, đặc biệt là thiếu sự theo dõi sau đầu tư để đánh giá và bố trí nguồn vốn cho bảo dưỡng, duy tu, vận hành công trình nên phân bổ kế hoạch đầu tư thường dàn trải, phân tán, thiếu bền vững. Tuổi thọ các công trình thường ngắn, đầu tư đi đầu tư lại nhiều lần gây thất thoát, lãng phí. Do vậy không thể đánh giá một cách toàn diện, chính xác của việc đầu tư.

Ngoài ra, theo ông Chiểu, việc phân chia 2 cơ quan quản lý dẫn đến không làm rõ được trách nhiệm của từng cơ quan trong quản lý, đánh giá hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, tác động của các khoản này đến nợ công vay về đầu tư.

“Sau giai đoạn chiến tranh, chúng ta tập trung khôi phục cơ sở vật chất bị tàn phá và kiến thiết đất nước thì yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Ngân sách quốc gia đều đầu tư cho cơ sở hạ tầng nên cần có một cơ quan riêng để quản lý nguồn vốn đầu tư cho cả nước. Đến nay, tình trạng vốn đầu tư ngân sách nhà nước giảm xuống. Theo đó, cũng không cần một cơ quan riêng quản lý vốn đầu tư phát triển mà cần tập trung vào một đầu mối” – ông Chiểu phân tích rõ.

Ông Chiểu thông tin thêm, hiện nay, trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chỉ có Việt Nam là có 2 bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước, trong khi quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng như quy mô ngân sách của chúng ta không lớn. Vì vậy không có lý do gì không tập trung về một mối.

“Việt Nam không thể một mình một kiểu” – ông Chiểu nói. Từ những phân tích trên, ông cho rằng, việc tập trung một bộ quản lý ngân sách nhà nước chi cho cả đầu tư và thường xuyên là yêu cầu khách quan, mà đã khách quan thì tất yếu sẽ đến và đến sớm bao nhiêu tốt cho đất nước bấy nhiêu.

Muốn phân cấp thì giao quyền tự quyết cho địa phương

Hoang-quang-ham

ĐB Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách

ĐB Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh mong muốn của ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư. Nhưng thiết kế nhiều điều khoản của Luật không đáp ứng được yêu cầu đó.

Cụ thể, việc điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (gấp 3,5 lần qui định hiện hành) để giảm việc trình Quốc hội, theo ông Hàm là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm là trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù; và được Quốc hội cho nhiều ý kiến hữu ích để hoàn chỉnh dự án. “Vì vậy cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội” – ông Hàm nói.

Cũng theo ông Hàm, nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền tự quyết cho địa phương toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương; địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm); kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.