Thị trường

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu

02/12/2024, 11:21

Vấn đề hàng giả mạo nhãn hiệu đã trở thành nỗi lo đau đáu của những doanh nghiệp làm ăn chân chính khi vấn nạn này ngày càng diễn ra với những thủ đoạn tinh vi.

Thương hiệu là "sống - còn" của doanh nghiệp

Bà Lê Thị Hoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Vườn Táo cổ cho biết, khi ra mắt sản phẩm thuần Việt là Cao trà mục nhan, bà rất quan tâm đến vấn đề quyền sáng chế. Mỗi sản phẩm được chau chuốt, kỳ công từ vùng nguyên liệu cho đến kỹ thuật, công nghệ để chiết suất. Do đó, việc bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, chú trọng. Vì thế, bà đã đăng ký bảo hộ thương hiệu và có tem chống hàng giả khi phân phối sản phẩm ra thị trường.

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu- Ảnh 1.

Các nhãn hiệu nổi tiếng thường được bán qua livestream, Facebook. Ảnh: DMS.

Vì thế, việc bảo vệ thương hiệu là điều rất quan trọng với doanh nghiệp của bà Hoa nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung. Đó là cách doanh nghiệp chủ động chống lại hàng giả, hàng nhái, bảo đảm uy tín, chất lượng cho thương hiệu sản phẩm của mình. Với cách làm này, các doanh nghiệp góp phần vào công cuộc chống hàng giả, hàng nhái gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Theo đó, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc dần trở thành xu thế tất yếu. Thông qua các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng. Song song với đó, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường

Thực tế cho thấy, rất nhiều mặt hàng được bày bán trên thị trường hiện nay có dấu hiệu là hàng giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý song tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát.

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu xảy ra ở đa dạng mặt hàng, trong đó, tập trung nhiều vào mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm. Các sản phẩm thường được làm giả, làm nhái những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như: LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuiton, Burberry, Adidas... Nếu là hàng chính hãng của thương hiệu này, sản phẩm sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đối với hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu thường chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Các thương hiệu lớn ra mắt mẫu nào thì trên thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng giả mạo ngay mẫu đó.

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu- Ảnh 2.

Hàng giả mạo thương hiệu thường chỉ có giá vài trăm nghìn đồng, trong khi thương hiệu chính hãng có giá hàng triệu, chục triệu. Ảnh: DMS.

Bên cạnh vấn nạn kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nước ngoài, trên thị trường còn xuất hiện tràn lan hàng giả, hàng nhái các nhãn hàng "made in Viet Nam" do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất, phổ biến nhất là mặt hàng bánh kẹo, rượu, thuốc lá, mỳ tôm, chăn, ga, giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội đầu, nước giải khát, phụ tùng ô tô, xe máy… với giá bán chỉ bằng 50-70% giá hàng chính hiệu nên có sức tiêu thụ khá cao, nhất là tại địa bàn nông thôn.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết: Hàng giả mạo nhãn hiệu ngày càng được làm một cách tinh vi và được bày bán xen kẽ, trà trộn cùng với hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt.

Hiện nay, hàng giả mạo nhãn hiệu còn được người bán lợi dụng nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok để chạy quảng cáo và livestream bán hàng. Người bán thường sử dụng địa điểm livestream bán hàng một nơi, còn kho chứa hàng lại là nơi khác.

Việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, hàng giả, hàng nhái còn chồng chéo, trùng lặp khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm…

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu- Ảnh 3.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh.

Ưu tiên kiểm tra, kiểm soát trên "mặt trận" thương mại điện tử

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2024 là một năm đầy thách thức, đánh dấu bước chuyển mình của mô hình Tổng cục thống nhất từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 5 năm lần thứ 2. Giai đoạn mà thế mạnh vượt trội trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất lao động cao; giai đoạn mà thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới đối với lực lượng của chúng ta trong công tác giám sát, kiểm tra thị trường, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở cả đời thực lẫn không gian ảo. Đây cũng chính là mặt trận nóng bỏng mà lực lượng QLTT phải tập trung, ưu tiên kiểm tra, kiểm soát trong thời gian tới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.