Xe buýt Hàn Quốc giành lại được niềm tin của người dân sau chương trình cải tổ toàn diện năm 2004 |
Hoạt động xe buýt Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) được đánh giá là kiểu mẫu để nhiều nước trên thế giới học tập, nhất là phương thức cải cách, quản lý và phương châm điều hành.
Mô hình "độc nhất vô nhị"
Xe buýt Seoul bắt đầu được sử dụng từ những năm 1950 - 1953, đến nay đã trải qua nhiều lần cải tổ, phát triển. Nói đến cải cách vượt bậc nhất, tạo nên thành công của xe buýt Seoul ngày hôm nay phải kể tới lần tái cơ cấu từ tháng 7/2004.
Khi đó, hệ thống xe buýt đang bị chia nhỏ thành các tuyến riêng biệt và do công ty tư nhân điều hành, dẫn đến nhiều tuyến đường bị chồng chéo, lòng vòng. Bên cạnh đó, Seoul đối mặt với tình trạng tắc đường, ô nhiễm, chất lượng không khí thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân đô thị. 60% người sử dụng phàn nàn xe buýt chậm giờ, tài xế đi ẩu, tai nạn...
Do đó, ông Lee Myung-Bak, Thị trưởng Seoul kiên quyết cải tổ cơ cấu xe buýt toàn diện. Việc đầu tiên là cải thiện hạ tầng: Tổ chức lại hơn 400 tuyến xe buýt bằng cách chia thành các tuyến ngắn, tuyến tầm trung, dài và dùng màu đỏ, xanh, vàng, xanh lá cây để phân biệt. Nhờ đó, các tuyến đường dài, lòng vòng bị cắt bỏ và xe buýt tiếp cận được tới những khu vực vốn bị lãng quên. Hơn nữa, người dân có thể dễ dàng chuyển từ xe này sang xe khác hoặc từ xe buýt sang tàu điện ngầm, theo Korea Times.
Đồng thời, thiết lập hành lang riêng dành cho buýt nhanh (BRT) và một làn ưu tiên ở giữa đường. Các làn xe buýt ở giữa đường được xây dựng ở những nơi có từ ba làn xe trở lên mỗi chiều, lưu lượng giao thông cao và tuyến đường kết nối giữa các thành phố chính bên ngoài Seoul với trung tâm Thủ đô và các trung tâm phụ cận Seoul. Tính tới năm 2014, tổng chiều dài mạng lưới đường dành riêng cho xe buýt là 115,3km, dự kiến sẽ mở rộng lên 223km trong những năm tới.
Lúc này, xe buýt không còn thuộc quản lý của riêng tư nhân mà là sự kết hợp công - tư (mô hình quản lý "độc nhất vô nhị" trên thế giới). Chính quyền thành phố có quyền điều chỉnh tuyến, đảm bảo chất lượng và cải thiện dịch vụ. Một hội đồng tư vấn điều hành xe buýt được thành lập với sự tham gia của chính quyền thành phố cùng các công ty tư nhân, chịu trách nhiệm quản lý doanh thu chung và phân bổ cho các công ty dựa trên chi phí hoạt động cơ sở và lợi nhuận. Lợi nhuận từ các tuyến tốt sẽ bù đắp cho các tuyến lỗ.
Bên cạnh đó, giới chức còn đưa ra chính sách khuyến khích các công ty xe buýt, cho phép tài xế nhận lương cao hơn và giảm áp lực về cạnh tranh. Nhờ đó, các tài xế không phải tìm mọi cách để tăng số chuyến. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chi phí chuẩn bị và xây dựng ban đầu để cải tổ hệ thống xe buýt Seoul khoảng 100 triệu USD. Hiện nay, chính quyền Seoul đang chi khoảng 200 triệu USD/năm (20 USD/người) để trang trải chi phí hoạt động, bù lỗ cho hệ thống xe buýt.
Chi mạnh tay để nâng cao chất lượng dịch vụ
Nhờ chương trình cải cách năm 2004, mức độ phàn nàn về xe buýt giảm chỉ còn 15%; Trong khi hành khách tăng 30-40%, lợi nhuận từ đó cũng tăng cao. Theo WB, tỷ lệ tai nạn, thương vong liên quan tới xe buýt giảm khoảng 25% chỉ một năm sau cải cách.
Hệ thống xe buýt Seoul đang phục vụ 28% lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng. Trao đổi với Báo Giao thông, bạn Lê Hương Giang, nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc chia sẻ: “Xe buýt tại Hàn Quốc rất tiện, sạch và đẹp, không mất thời gian mua vé. Chỉ cần mua thẻ đi lại như thẻ ngân hàng là có thể di chuyển trên tất cả các phương tiện công cộng bằng cách quẹt thẻ”.
Chính quyền Soeul nhận định, sở dĩ kế hoạch cải cách thành công vì tất cả sự thay đổi đều nhằm tăng chất lượng xe buýt chứ không nhằm mục đích cạnh tranh với tàu điện ngầm hay thu lợi nhuận. Ông Jang Il-jin, Cơ quan Chính sách xe buýt TP Seoul cho biết, Chính phủ xác định, không thể tránh khỏi việc hệ thống xe buýt đã, đang và sẽ tiếp tục giảm quy mô hoạt động so với tàu điện ngầm. “Vì hệ thống tàu điện ngầm Seoul cũng rất tốt nên nhu cầu đi xe buýt chắc chắn sẽ giảm. Chúng tôi hiểu điều đó. Tất cả những nỗ lực chúng tôi đang thực hiện nhằm cung cấp dịch vụ tốt cho người dân, kể cả khi nó không mang về lợi nhuận. Và chính quyền sẽ tiếp tục trợ giá để đảm bảo chất lượng xe buýt”, ông Jang nói.
Ông Kang Seung-pil, GS. Khoa Kỹ thuật môi trường và dân sự, Đại học Quốc gia Seoul nhận định: “Chính phủ sẵn sàng chi mạnh cho xe buýt để người dân cảm thấy hài lòng. Song, trợ cấp càng lớn đồng nghĩa Chính phủ sẽ can thiệp sâu và giám sát nhiều. Đó chính là sự kết hợp giữa công và tư”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận