Quan tham Trung Quốc là những “diễn viên” chuyên nghiệp nhất. |
Quan chống tham nhũng nhận hối lộ
Mới đây, tờ Nhật báo Thanh tra và Kỷ luật của Trung Quốc có bài viết lên án nhiều quan chức trở thành các chuyên gia lừa đảo, giả vờ sống thanh liêm, trong sạch, tiết kiệm nhưng thực chất lại là những người tiêu tiền không tiếc tay, sở hữu nhiều tài sản khổng lồ ngầm.
Nhật báo Thanh tra và Kỷ luật viết: “Khi chiến dịch chống tham nhũng đang triển khai ngày càng sâu rộng..., nhiều quan chức đã đeo mặt nạ để trốn tránh, hy vọng yên thân tới ngày về hưu”. Bề ngoài họ hô hào chống tham nhũng nhưng thực chất bên trong ra sức vơ vét. Tờ báo chính thức của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật T.Ư Trung Quốc còn chỉ trích, một số quan chức có hàng triệu nhân dân tệ tiền mặt cất giữ tại gia; Nhưng vẫn rất “thanh liêm”… đạp xe đi làm. Họ hô hào trung thực và lẽ phải nhưng đến tối lại lui tới các câu lạc bộ, ăn chơi nhảy nhót.
Ông Zhou Benshun, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, Trung Quốc vừa bị sa thải và bị điều tra bởi cáo buộc tham nhũng hồi tháng 7 vừa qua là ví dụ điển hình cho những quan chức diễn vai chống tham nhũng khá đạt trong những năm tại chức. Ông Zhou Benshun từng tạo tên tuổi qua những hành động và khẩu ngữ chống tham nhũng quyết liệt như: “Nếu cả gia đình nhận hối lộ, tất cả sẽ chịu chung cái kết thảm”... Cuối cùng, chính ông phải nhận cái kết đắng vì những điều mà ông kêu gọi ngăn chặn bấy lâu nay. Ông Zhou bị cáo buộc nhận hối lộ 130 triệu NDT (21 triệu USD) và làm tổn thất công quỹ 1,4 tỷ NDT (229 triệu USD).
Vụ truy tố ông Wei Pengyuan, Phó Giám đốc phụ trách ngành Than thuộc Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) vì hối lộ, không chứng minh được một số lượng lớn tài sản vừa qua khiến các đồng nghiệp ngã ngửa. Lâu nay, trong mắt đồng nghiệp, ông Wei là người có lối sống thanh liêm - thường đi xe đạp đi làm, không trưng diện quần áo đắt tiền.
Tuy nhiên, khi lục soát nhà ông Wei, cảnh sát phát hiện gần 100 triệu NDT (16 triệu USD) tiền mặt. Cảnh sát phải mượn… 16 máy đếm tiền từ ngân hàng để kiểm kê và bốn máy gặp trục trặc do hoạt động quá công suất. Không chỉ vậy, mới đây, dư luận Trung Quốc bức xúc trước vụ quan chống tham nhũng Liu Xiangdong, người đứng đầu Ban Điều tra chống tham nhũng tỉnh Sơn Tây bị sa thải, khai trừ khỏi đảng vì tội nhận hối lộ. Ông Wang Rulin, quan chức cấp cao tỉnh Sơn Tây cho biết, giới chức điều tra phát hiện 31,7 triệu USD tiền mặt tại nhà riêng của ông Liu. Phần lớn số tiền đều phủ bụi, thậm chí… mọc nấm.
Một tài khoản Weibo đến từ Quảng Đông viết: “Quá sốc! Cả người đứng đầu đội chống tham nhũng cũng tham nhũng. Liệu đất nước có cần đội chống tham nhũng nữa không?”. Một tài khoản Weibo khác đến từ Bắc Kinh viết: “Toàn bộ chiến dịch chống tham nhũng đã là một trò đùa nực cười”.
Phẫu thuật thẩm mỹ để… thoát tội
Không chỉ vậy, để thoát lưới tham nhũng, quan tham Trung Quốc không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ hòng mong thay hình đổi dạng.
Trung tuần tháng 12 vừa qua, cảnh sát tỉnh Giang Tây, Trung Quốc thông báo, ngày 25/11, cảnh sát đã bắt một nghi phạm tham nhũng tên He tại khu du lịch nổi tiếng Pattaya. Trước đó, người này đã tới Bangkok phẫu thuật thẩm mỹ để che mắt cảnh sát. He bị truy nã từ đầu tháng 7 và bị Bộ Công an Trung Quốc đưa vào danh sách đỏ của Interpol.
He bị cáo buộc gây quỹ bất hợp pháp và tham nhũng khoảng 160 triệu NDT (25 triệu USD) từ tháng 1/2013 đến tháng 7/2015 khi đang phụ trách đại diện pháp lý của một công ty quản lý đầu tư. Cảnh sát cho biết: “He đã cắt mí mắt, gọt mặt nhưng thân hình vẫn y nguyên. Có thể, hắn còn phẫu thuật mắt bằng tia laser”.
Chiêu phẫu thuật thẩm mỹ để che mắt cảnh sát là hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra tại Trung Quốc. Những năm 1990, tội phạm chạy trốn tên Chen Manxiong đã tắm trắng, che giấu thân phận, sống như một doanh nhân thành đạt tại Thái Lan trong gần 5 năm trước khi bị bắt.
5.600 quan chức vi phạmquy tắc tài chính Mới đây nhất, ngày 22/12, ông Lưu Gia Nghĩa, người đứng đầu Cơ quan Kiểm toán Quốc gia (NAO) của Trung Quốc cho biết, có khoảng 5.600 quan chức Chính phủ bị kỷ luật do dính líu đến các vụ vi phạm quy tắc tài chính và biển thủ công quỹ. Trong đợt kiểm toán ngân sách và các khoản thu chi của Chính phủ tài khóa 2014, cơ quan chức năng phát hiện các con số đã được sửa trong báo cáo tài chính và sổ sách kế toán cho đến cuối tháng 10 lên tới 580 tỷ NDT (90 tỷ USD). Gần 6.000 mục trong các quy định của Chính phủ đã được tạo khống hoặc bị sửa lại. NAO cho biết, đa số các hành vi vi phạm các nguyên tắc tài chính diễn ra trong các lĩnh vực liên quan đến công quỹ, tài sản Nhà nước và các nguồn lực thuộc sở hữu Nhà nước như đất đai và mỏ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận