Việc chuyển đổi phương thức quản lý xe công không chỉ góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, ngăn chặn được tình trạng sử dụng không đúng mục đích mà vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của cán bộ theo đúng quy định.
Vận hành đơn giản
Theo Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, từ khi triển khai đề án (tháng 6/2018) đến ngày 20/9/2019, có hơn 6.700 lượt đăng ký sử dụng xe ô tô công, ngày nhiều nhất có khoảng 57 lượt, thấp nhất 18 lượt đăng ký (không tính ngày nghỉ). Những xe thuộc diện thanh lý đang trong quá trình tổ chức bán đấu giá theo luật, dự kiến thu về cho ngân sách khoảng 6 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án quản lý xe công tập trung, Cà Mau cân đối có 60 xe đủ điều kiện để phục vụ cho các cơ quan làm việc và có 10 xe dự phòng. Các xe này do Trung tâm Dịch vụ tài chính công (thuộc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau) quản lý, điều hành.
Ông Bùi Việt Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính công tỉnh Cà Mau, phụ trách Tổ điều hành ô tô công tập trung cho biết, trên cơ sở số xe ô tô hiện có, trung tâm sẽ phân thành 4 tổ với 65 lái xe, chia lịch trực hàng tuần kể cả thứ 7, chủ nhật và trực ban đêm. Khi nhận được thông báo từ cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng xe qua số điện thoại trực, trung tâm sẽ điều xe tới điểm hẹn trong thời gian tối đa là 20 phút (ngày làm việc) và 40 phút (ngày nghỉ). Quá trình điều xe phải có lệnh điều xe, cấp giấy công lệnh cho tài xế, giấy sử dụng xe (gồm các thông tin nơi đi, nơi đến; số km thể hiện từ lúc xuất phát đến điểm kết thúc là bao nhiêu...).
“Khi về đến nơi, thủ trưởng hoặc người đi trên xe có phiếu ký xác nhận km và gửi lại cho tài xế. Sau đó, tài xế sẽ nộp lại phiếu này cho trung tâm để thanh toán công tác phí, xăng dầu. Việc tiếp theo là kế toán của trung tâm sẽ tổng hợp và chuyển phiếu báo đến đơn vị sử dụng xe. Sau 10 ngày, đơn vị sử dụng xe phải chuyển tiền về kho bạc vào tài khoản của đơn vị quản lý xe. Từ đó, kho bạc mới chi ra theo kế hoạch”, ông Khanh cho hay.
Tiết kiệm tiền tỷ
Đối tượng sử dụng xe ô tô công bao gồm: Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan đơn vị có chức danh lãnh đạo, có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm).
Ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, việc thực hiện Đề án quản lý xe công tập trung giúp giảm đầu xe, giảm được lượng tài xế, giảm được kinh phí hoạt động thường xuyên để sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng xe, tiết kiệm được chỗ đậu xe, chỉ sử dụng xe vào phục vụ làm việc chung, tránh việc sử dụng xe công vào mục đích riêng, đảm bảo cho hoạt động đi lại của các cơ quan, khi cần. Từ đó, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước. “Khi chúng tôi có nhu cầu đi công tác đột xuất, anh em bên Tổ điều hành phục vụ rất kịp thời, xe đến rước tại điểm hẹn và đưa về tận nơi, phương tiện đảm bảo an toàn, tài xế phục vụ rất chu đáo và thân thiện”, ông Tất nói.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ, việc quản lý xe công giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. “Chẳng hạn, khi đi xuống cơ sở, thay vì đi nhiều chiếc như trước đây, thì giờ 4-5 người gom lại đi chung một chiếc. Hay bên Trung tâm Thể dục - thể thao có hai chiếc xe, 1 chiếc 25 chỗ và 1 chiếc 35 chỗ ngồi, nhưng có những bộ môn khi đi thi đấu chỉ có vài người đi, nếu sử dụng xe lớn thì lãng phí. Khi tham gia đề án, chỉ cần liên hệ qua Tổ điều hành, xe ô tô công tập trung sẽ được bố trí xe phù hợp”.
Những người được cử đi công tác theo nhóm từ 3 người trở lên, đi họp hoặc giải quyết công việc chung, đi công tác khẩn cấp, đặc biệt được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham gia Đề án quyết định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho biết, Đề án Quản lý xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước mỗi năm trên 17 tỷ đồng. Trong đó, đã giảm chi phí mua sắm mới để thay thế xe cũ hàng năm hơn 6,8 tỷ đồng; giảm chi phí cho công tác quản lý, vận hành với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; giảm chi phí duy trì vận hành của 60 xe ô tô, với tổng số tiền trên 7,9 tỷ đồng (bảo hiểm, kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng, phí sử dụng đường bộ...).
“Hiện tại, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cũng đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc sử dụng phần mềm vào quản lý xe ô tô công tập trung. Cụ thể, khi đơn vị muốn sử dụng xe đi công tác, có thể thao tác trên phần mềm, sẽ truy cập qua máy chủ của trung tâm. Từ đó, trung tâm chuyển lại thông tin qua mạng xã hội Zalo được cài đặt trên điện thoại di động của các tài xế. Khi thanh toán, trung tâm sẽ chuyển mã số qua từng đơn vị sử dụng. Căn cứ vào mã số, đơn vị sử dụng xe sẽ chuyển tiền qua kho bạc Nhà nước và kho bạc sẽ thanh toán lại với trung tâm, giúp tiết kiệm được thời gian”, ông Khởi thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận