Trong 10 năm kể từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, tỉnh Quảng Bình mới chỉ tổ chức đấu giá và cấp quyền khai thác được 2 mỏ đất. Nhưng chỉ trong 2 năm gần đây, tỉnh này đã cấp 54 giấy phép cải tạo đất, lòng hồ để khai thác khoáng sản.
Ồ ạt bạt đồi, phá rừng lấy đất
Trong các ngày 9 - 10/9, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực trồng rừng của Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Từ đường Hồ Chí Minh đi vào khoảng hơn 1km, PV dễ dàng bắt gặp nhiều ha đất trồng rừng bị cày xới nham nhở, nhiều khoảnh đất được múc sâu hơn 1m rồi để trống, trở thành những chiếc ao, hố lỗ chỗ.
Ở đoạn cuối con đường bê tông dẫn vào phân xưởng 2, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào mua đất. Theo chân các xe này, chúng tôi đi sâu vào khu vực khai thác của người có tên là “Cu Anh” - (lời tài xế xe tải). Tại đây, có 3 chiếc máy xúc đang liên tục cào, múc đất trên các ngọn đồi đưa lên xe tải, còn nhiều gốc cây rất to bị múc lên hất sang bên cạnh.
Các tài xế cho biết, họ tới đây mua đất để chở tới các công trình xây dựng ở khu vực TP Đồng Hới, giá mua và khối lượng do chủ thương lượng trực tiếp với “Cu Anh”. Dù đây là đất lâm nghiệp nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ ai làm công tác trồng rừng hay chăm nuôi cây.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long cho biết: “Lãnh đạo Công ty Long Đại vừa mới đi kiểm tra thực địa và yêu cầu đơn vị khai thác là Công ty Phúc Hòa phải khai thác đúng theo giấy phép đã cấp, những vị trí khai thác sai thì yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu. Khu vực khai thác được chia làm hai phần, sau khi khai thác phần thứ nhất thì hoàn trả lại mặt bằng để công ty trồng rừng vào mùa xuân sắp tới, rồi mới được khai thác phần thứ hai”.
Ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: Khu đất này được tỉnh cấp phép cho Công ty Long Đại san gạt, cải tạo đất để trồng rừng, chứ không phải là cấp phép mỏ đất. Tuy nhiên, chưa thấy Công ty Long Đại cho trồng lại rừng như kế hoạch.
Tương tự, tại dự án cải tạo đồi của hộ ông N.Đ.C. (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có diện tích khoảng hơn 2ha, dù chỉ còn vài tháng nữa là hết thời hạn khai thác, nhưng các hoạt động chỉ dừng lại ở việc bán đất, chưa hề có dấu hiệu san lấp lại mặt bằng trồng cây.
Tận thu hay lách luật?
Theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Bình, tính đến tháng 9/2020, tỉnh và các huyện đã cấp 56 giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản (đang trong thời hạn). Trong đó, UBND tỉnh cấp 7 giấy phép khai thác do cải tạo, tận thu để phục vụ các dự án không thông qua đấu giá; UBND các huyện cấp 47 giấy phép cải tạo đất nông nghiệp dư thừa khối lượng không thông qua đấu giá.
Toàn bộ khối lượng đất, cát dư thừa, tận thu được vận chuyển ra ngoài khu vực khai thác sử dụng vào mục đích làm đường, đắp kè, san lấp…
Giám đốc một doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn bức xúc: “Tỉnh Quảng Bình cấp mỏ thì ít nhưng cấp cải tạo và tận thu thì quá nhiều. Riêng huyện Bố Trạch đã có đến 15 dự án cải tạo, tận thu, thời hạn 12 tháng.
Do thời gian tận thu ngắn dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt, hạ giá bán khiến cho các mỏ khó lòng cạnh tranh. Trong khi đó, để được cấp phép mỏ thì phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều khâu, lại phải đấu giá làm chi phí đội lên rất cao”.
Về vấn đề này, ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cho biết: Trước đây, khi Quảng Bình chưa thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản dư thừa thì xảy ra tình trạng khai thác trộm, không thu được thuế.
Trong khi đó, để cấp phép mỏ vật liệu xây dựng (VLXD), Luật Khoáng sản quy định phải GPMB rồi phải thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác. Nhưng theo Luật Đất đai thì doanh nghiệp phải thương lượng và tự GPMB, dẫn đến gặp khó. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá nhưng trong 10 năm mới chỉ đấu giá thành công 2 mỏ đất.
Trong bối cảnh nhu cầu VLXD lớn, các dự án có khoáng sản dư thừa lại nhiều, nên từ năm 2018, tỉnh bắt đầu thực hiện cấp quyền khai thác theo Điều 65 Luật Khoáng sản và thu thuế. Ông Tuấn cũng thừa nhận: “Cách làm này khiến nhiều người nghĩ tỉnh làm sai, nhưng thực chất là đúng luật.
Bởi, có những dự án lớn, khối lượng khoáng sản dư thừa nhiều, nếu đấu giá mỏ thì Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là những dự án tỉnh mời gọi, thu hút đầu tư. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên Bộ đề nghị sớm sửa Luật Khoáng sản để gỡ khó cho địa phương cũng như các doanh nghiệp”.
Một số dự án được cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản tại Quảng Bình gồm: Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại khai thác đất làm vật liệu san lấp trong diện tích 7ha dự án hạ độ cao, cải tạo mặt bằng để trồng lại rừng tại xã Vĩnh Ninh, khối lượng hơn 260.000m3, thời hạn khai thác 30 tháng; UBND xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch cải tạo, nạo vét hồ chứa nước Bầu Bàng, tổng diện tích hơn 23ha, khối lượng hơn 226.000m3, thời gian 60 tháng; Công ty TNHH Thanh Bình TND được khai thác hơn 2.768m3 cát mịn làm vật liệu xây dựng trong khu vực Dự án Phát triển quỹ đất thôn Đông Hải, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, thời hạn 6 tháng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận