Chuyện dọc đường

Quảng cáo, bán rượu bia vô tội vạ cũng là tội ác

02/05/2019, 16:27

Việc cổ súy dùng bia rượu để thể hiện bản lĩnh sẽ dẫn lối cho cả ngàn, vạn thanh niên trai trẻ bước vào con đường nghiện ngập...

img
Đừng tiêm nhiễm vào đầu óc giới trẻ quan điểm uống rượu bia để thể hiện bản lĩnh đàn ông

Trên facebook, mọi người đồng loạt kêu gọi “uống có trách nhiệm” và “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Điều đó đúng và không phải bàn cãi.

Nhưng người ta dường như quên mất một thủ phạm quan trọng: Đó là quảng cáo, bán rượu bia vô tội vạ!

Chính việc cổ súy dùng bia rượu để thể hiện bản lĩnh sẽ dẫn lối cho cả ngàn, vạn thanh niên trai trẻ bước vào con đường nghiện ngập. Có thể dần dần biến họ thành những ma men, thậm chí là những kẻ giết người, như những kẻ đã tông xe vào chị lao công trên đường Láng hay 2 phụ nữ trẻ ở hầm Kim Liên, cướp đi mạng sống của họ.

Khi nói về hậu quả của việc uống rượu bia, người ta thường nói nhiều về ý thức. Những câu nói như: Ép à, có ai đổ rượu vào mồm đâu, toàn tự uống đấy chứ! thường được mang ra để biện minh cho hành vi uống rượu không văn minh.

Nhưng nó không chỉ dừng lại ở những ý kiến đơn lẻ đó. Lập luận này đã được các nhà sản xuất rượu bia sử dụng triệt để như một vũ khí vô cùng lợi hại để chống lại những điểm mạnh của Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Thậm chí rất nhiều đại biểu Quốc hội trong quá trình phân tích dự thảo Luật đã lờ đi những bằng chứng khoa học về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, như “rượu bia là chất gây nghiện” hay “rượu bia là nguyên nhân gây ra gần 200 loại bệnh”, “rượu bia là gánh nặng lớn cho nền kinh tế”…

Ngược lại, họ đưa ra những lập luận hết sức cảm tính về “văn hóa uống rượu”, rồi “uống có trách nhiệm”…, thậm chí, có đại biểu còn mang cả chuyện thắp hương rượu trên bàn thờ tổ tiên để phản đối việc siết chặt quảng cáo, tiếp thị rượu bia.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cực lực phản đối việc cấm quảng cáo bia trên mạng internet vì cho rằng, “bia phải được đối xử bình đẳng như các hàng hóa khác kinh doanh không có điều kiện.”

Nhưng, bia cũng là cồn, uống rượu hay uống bia đều là uống cồn. Ai dám nói là uống nhiều bia cũng không say? Ai dám nói là uống bia mãi mà không nghiện?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) còn lo rằng “việc quy định cấm bán rượu, bia trên internet có phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay hay không? Có cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp hay không”. Có lẽ vị đại biểu này không hiểu rằng quảng cáo, tiếp thị, bán rượu bia trên internet tràn lan, không có hạn chế chính là tiếp tay cho thanh niên sử dụng các chất gây nghiện này.

Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) thì cho rằng, hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà “sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam…”

Đại biểu Dương Trung Quốc - một đại biểu mà lời nói luôn mang lại sự quan tâm đặc biệt của xã hội, cũng không ngại chất vấn Bộ Y tế rằng: “Ngay khi luật được thông qua Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽ mua rượu bổ về uống vậy.”

Vào các kỳ nghỉ lễ tết, hãy thử đến phố đi bộ hay nhiều sự kiện văn hóa ở Hà Nội, bạn sẽ choáng với các chương trình được các hãng bia được tổ chức ngay tại trung tâm phố cổ. Tiếng nhạc chát chúa, tiếng hò hét mời gọi..., và những thanh niên trai gái, trong đó có cả những đứa trẻ vị thành niên, tay cầm những chai bia, khuôn mặt bừng bừng khí thế… hào hứng tham gia.

Nếu được cổ súy, nếu không biết điểm dừng, không biết có bao nhiêu thanh niên trong số đó sau này sẽ trở thành những con ma men.

Tôi lo sợ khi nghĩ đến có những cậu thanh niên trong số đó sau này trở thành kẻ giết người sau những cuộc nhậu. Hoặc không bao giờ về được đến nhà vì gặp tai nạn trên đường dù chúng chỉ đi xe máy, khi say.

Cũng không biết có bao nhiêu cô gái, từ những cuộc nhậu như vậy, trở thành nạn nhân của những con quỷ râu xanh.

Vì thế, quảng cáo, bán rượu bia tràn lan cũng là tội ác!

Nhưng, trong các quán ăn từ bình dân đến sang trọng, những cô gái ăn mặc sexy vẫn đem bia rượu đến tận từng bàn để mời chào. Trên điện thoại, nhân viên hãng rượu vẫn gọi tận nơi để tiếp thị.

Tất cả những cửa hàng lớn nhỏ, những quán ăn lớn nhỏ, đều được bán rượu bia một cách công khai, không hạn chế số lượng, tuổi tác người mua và giờ giấc.

Và, kỳ lạ thay, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn phản đối việc hạn chế quảng cáo, tiếp thị rượu bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.