Bờ biển sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa, hàng quán bỏ hoang
Sau các đợt mưa bão vào cuối năm 2020 và 2021, bờ biển Cửa Đại kéo dài từ địa phận phường Cửa Đại đến phường Cẩm An (TP Hội An) tiếp tục bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng. Nhiều đê kè, nhà dân bị sóng biển đánh tan nát, cuốn trôi, hư hại.
Ông Nguyễn Hà (68 tuổi, trú tại phường Cẩm An) lo lắng: Tình trạng sạt lở diễn ra trong nhiều năm qua. Nhất là vào mùa mưa bão, sóng lớn đánh vào bờ, cuốn trôi nhiều công trình dọc bãi biển.
“Trước tình thế đó, người dân chúng tôi đã chất bao tải cát, sử dụng bạt nilong, cọc tre cố định bờ kè ngăn sóng nhưng vẫn không ngăn được, bờ biển sạt lở ăn sâu vào công nền, móng công trình nhà cửa, hàng quán. Hiện nhiều công trình đã bị hư hại, không thể sử dụng được nữa”, ông Hà nói.
Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở uy hiếp nhà cửa, hàng quán kinh doanh.
Theo ông Hà, trước đây dọc bờ biển này có nhiều người kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi sạt lở ăn sâu vào đất liền, uy hiếp đến nhà, sân vườn nên nhiều người đã chuyển đi đến nơi khác.
Ngoài ra, sạt lở còn khiến nền móng phía sau các resot, nhà hàng bị sụt lún, tạo nhiều hố sâu, các bao cát, hàng kè bêtông cũng bị đánh sập nằm ngổn ngang trên bãi biển.
“Để đảm bảo cho việc buôn bán, kinh doanh, chúng tôi phải mua những cột sắt, đổ bêtông tạo bờ kè kiên cố cao hơn 4m để ngăn sóng, nhưng tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn”, một chủ resot cho biết.
Nỗ lực khôi phục, bảo vệ bờ biển Cửa Đại
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Cửa Đại bằng các hình thức khác nhau, cụ thể như: kè bằng bê-tông cốt thép mái nghiêng, kè mềm bằng túi địa kỹ thuật, kè mềm bằng túi Geotube.
Ngoài ra, còn 4 tuyến kè do doanh nghiệp xây dựng chủ yếu bằng phương án kè thẳng đứng. Đối với kè bằng bê-tông cốt thép mái nghiêng đã đáp ứng nhu cầu bảo vệ bờ đồng thời có hiện tượng bồi cát tạo bãi tắm trong mùa hè ở một số tuyến. Trong khi đó, tuyến kè mềm bằng túi Geotube cơ bản đáp ứng được nhu cầu tái tạo bãi tắm, còn đối với phương án kè thẳng đứng bằng cọc cừ bê-tông dự ứng lực lại không thu được hiệu quả cao.
Một khu kinh doanh dịch vụ ở bờ biển bị sạt lở làm hư hại, bỏ hoang.
Ông Hùng cho biết: Từ thực tế theo dõi cho thấy, phương án chống sạt lở hiệu quả nhất là xây dựng kè mái nghiêng bằng tấm lát bê-tông đặt trong hệ khung giằng ngang và dọc bằng bê-tông cốt thép.
Hiện Hội An đang triển khai dự án xây dựng kè bảo vệ và tái tạo bãi biển Cửa Đại có chiều dài hơn 1,8 km, nối bãi tắm Cửa Đại (phường Cửa Đại) đến phường Cẩm An. Qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và khảo sát thực tế, UBND TP. Hội An đề xuất và được tỉnh chấp thuận thi công kè cứng, lát mái bằng cấu kiện bê-tông.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, công trình tổng thể khôi phục bãi biển Cửa Đại có 2 phần chính. Thứ nhất, hệ thống đê ngầm để phá sóng từ xa và giữ cát ven bờ, hiện đã thi công 1,5 km từ khu nghỉ dưỡng Victoria Resort về phía Bắc. Thứ hai là hệ thống kè bảo vệ bờ kết hợp đường đi bộ ven biển Cửa Đại từ khu Victoria Resort về phía Bắc. Ngoài 1,8 km nằm trong dự án vừa phê duyệt phương án đấu thầu, UBND tỉnh Quảng Nam đang xin Chính phủ hỗ trợ thực hiện thêm 1,5 km đoạn từ Victoria Resort về phía Nam.
Ông Thanh cho biết công trình khôi phục bãi biển Cửa Đại được thực hiện nhằm bảo vệ bờ biển, tái tạo bãi tắm để phục vụ du lịch nên nó không giống các công trình chống sạt lở bình thường khác. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trong thiết kế, thi công phải bảo đảm tính kỹ thuật và thẩm mỹ.
Để bãi biển Cửa Đại sớm hình thành và ổn định, cần ít nhất 3 triệu mét khối cát bổ sung vào bên trong đê ngầm. Nguồn cát này sẽ được lấy từ dự án nạo vét luồng Cửa Đại và dự án nạo vét sông Trường Giang sắp được triển khai.
>>> Hình ảnh bờ biển Cửa Đại bị sạt lở:
Kè chắn người dân xây dựng bảo vệ công trình nhà cửa nhưng bị sóng biển tàn phá nghiêm trọng.
Móng đá công trình một cơ sở kinh doanh ăn uống bị sụp đổ do sạt lở bờ biển
Người dân dùng bao cát chắn sóng ngăn chặn sạt lở nhưng không mang lại hiệu quả.
Người dân dùng cọc tre, cọc gỗ chắn sóng.
Bờ biển Cửa Đại trở nên nham nhở sau những trận mưa bão.
Một công trình nhà bị hư hỏng nặng vì sạt lở.
Một số nhà hàng, resot bị uy hiếp bởi sạt lở bờ biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận