Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Tấn Việt. |
Buổi họp báo do Sở TN&MT Quảng Nam chủ trì cùng đại diện UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan và đại diện Công ty TNHH thép Việt Pháp, chủ đầu tư dự án.
Theo Sở TN&MT Quảng Nam, Nhà máy thép Việt Pháp tại xã Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bắt đầu hoạt động từ năm 2013. Trong quá trình hoạt động, Sở TN&MT Quảng Nam phối hợp Công an tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn, phường Điện Nam Đông tiến hành 8 đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, các kết quả phân tích đo đạc mẫu khí, bụi tại ống khói nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, xét thấy nhà máy đặt gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 5463 ngày 27/12/2014 chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn phối hợp Công ty thép Việt Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy.
Ông Lê Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc di dời như trên và khẳng định nhà máy không hề gây ô nhiễm môi trường. “Việc ảnh hưởng đến người dân là có vì xe vận chuyển nguyên liệu gây tiếng ồn và bụi bặm, trong khu dân cư nên người dân phản ứng. Còn việc ô nhiễm là không có vì nhà máy nấu thép phế liệu chứ không phải luyện quặng như Formosa nên không xả nước thải độc hại” – ông Quang nói.
Ông Lê Hồng Quang khẳng định tiếng ồn và bụi ảnh hưởng đến người dân nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tấn Việt. |
Ông Đinh Phú Tân, Giám đốc Nhà máy thép Việt Pháp cho hay nhà máy của ông hoàn toàn khác với gang thép Thái Nguyên hay Formosa. Công nghệ Việt Pháp sử dụng là nấu phế liệu để luyện cán thép nên nguồn nước sử dụng chủ yếu là để làm nguội phôi thép.
“Lượng nước này được xử lý khép kín, dùng lại nhiều lần. Đến khi lắng đọng đặc mới mang đi xử lý nên không thể có chuyện xả nước thải ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia như dư luận lo lắng” – ông Tân cho hay.
Ngoài ra, nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 300 công nhân khi làm nhà máy tại huyện Nam Giang chỉ khoảng 19m3/ngày đêm. Nguồn nước này cũng được xử lý như các loại nước sinh hoạt khác trước khi thải ra môi trường.
Trước lo ngại của dư luận về việc nhà máy thép di dời lên huyện Nam Giang sẽ dùng quặng sắt tại 2 mỏ (trữ lượng khoảng 2 triệu tấn) tại đây để luyện quặng, TS. Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án khẳng định với công nghệ nhà máy máy Việt Pháp đang sử dụng thì không thể sản suất được từ quặng ra sắt thép.
TS. Huỳnh Ngọc Thạch cho rằng công nghệ của công ty Việt Pháp đang sử dụng không thể luyện quặng như Formosa mà chỉ có thể nấu thép phế liệu. Ảnh: Tấn Việt. |
Theo báo cáo ĐTM đối với nhà máy thép tại huyện Nam Giang, giai đoạn 1 của dự án phát sinh chất thải khi san lấp mặt bằng, phương tiện máy móc sử dụng năng lượng, chất thải rắn, tiếng ồn… Ở giai đoạn 2, khí thải chủ yếu là bụi phát sinh khi luyện cán thép do phế liệu đã qua sử dụng. Tiếng ồn của lò thông tần là tiếng khi vận chuyển thiết bị, nguyên liệu chứ quá trình sản xuất không phát sinh.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam khẳng định, chất rắn từ lò thông tần (thải ra lượng sỉ 3kg/tấn phôi thép) là chất thải rắn bình thường, không phải chất thải nguy hại và sẽ được mang đi nơi khác xử lý, nhà máy không được phép chôn lấp tại chỗ.
Tại cuộc họp báo, mặc dù Nhà máy thép Việt Pháp tại xã Điện Nam Đông chỉ nộp thuế 3 triệu đồng (năm 2014) và 12,6 triệu đồng (năm 2015) khiến dư luận đặt câu hỏi, nhưng Sở TN&MT đã không mời đại diện Chi cục thuế Quảng Nam tham dự để giải đáp thắc mắc này.
Riêng đại diện Công ty TNHH thép Việt Pháp khẳng định đơn vị đã nộp đầy đủ thuế khi nghiên cứu đầu tư dự án tại xã Điện Nam Đông và nộp thuế hàng năm đúng quy định của Nhà nước.
>>>>> Xem thêm clip Cận cảnh ống xả thải khủng của Formosa dưới đáy biển:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận