Hạ tầng

Quảng Nam: Những cây cầu xóa điểm đen giao thông trên QL14G

Cuối năm 2020, 4 cây cầu gồm cầu Km 32+480, Sông Vàng, Sông Kôn và Dốc Rùa 2 trên QL14G qua địa bàn huyện Đông Giang cùng lúc đưa vào sử dụng.

Cả 4 cầu có bề rộng 7,5m, với tổng kinh phí xây dựng hơn 52,8 tỷ đồng.

Các công trình thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, từ nguồn vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ông Rapát A Ngứt (44 tuổi, trú thôn Ralang, xã Jơ Ngây) cho biết, trước đây, mỗi khi mưa to, nước cầu Sông Kôn dâng rất cao, có khi ngang với mép sân nhà.

Đường cầu ngập nước chạy cuồn cuộn, mọi người không thể đi rẫy, lên nương. Con em học sinh trong làng cũng không thể đến trường.

img

Cầu Sông Vàng xây mới vững chãi, thay thế cầu cũ thường xuyên ngập nước, đi lại nguy hiểm trong mùa mưa bão

Nhiều người dân huyện Đông Giang vẫn còn ám ảnh vụ tai nạn đau buồn cách đây 5 năm, khi một người đàn ông cố băng qua dòng nước chảy xiết ở cầu Dốc Rùa 1 cũ (xã Ating) bị nước cuốn trôi mất tích.

Thương tâm nhất là 3 em học sinh ở thôn Dhami (xã Ba) bơi qua Sông Vàng khiến 2 em chết đuối, 1 em may mắn được cứu kịp thời.

“Nhưng từ ngày có cầu mới, đường sá đi lại không còn cách trở, nước sông lớn đến mấy cũng đều đi được, người dân chúng tôi vui sướng vô cùng”, ông Ngứt phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Thúy (33 tuổi, trú xã Jơ Ngây) nhớ lại, năm nào cũng 5-7 đợt mưa lũ gây ngập lụt, nước chảy siết, xe ô tô chở hàng không thể qua lại.

“Từ ngày có cầu mới, tôi chưa bao giờ lo hàng hóa bị thiếu hụt cả. Những sản vật của địa phương như măng, sắn, bắp… dễ dàng được vận chuyển xuống xuôi để bán”, chị Thúy nói.

Theo ông Hồ Quang Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang, những cây cầu mới, vững chắc thay thế cho các cây cầu cũ, ngầm tràn không chỉ xóa bỏ điểm đen ngập lụt, TNGT, mà còn thay đổi diện mạo vùng miền núi, giúp người dân đi lại an toàn, gia tăng kết nối, thông thương hàng hóa giữa địa phương với vùng đồng bằng, thành thị và địa bàn Đà Nẵng.

“Hiện tuyến QL14G đi qua địa bàn huyện Đông Giang dài hơn 41km. Việc đầu tư xây dựng nâng cấp các cây cầu, cũng như tuyến đường QL14G theo tiêu chuẩn đường cấp IV sẽ tạo động lực, thế mạnh đột phá cho huyện Đông Giang phát triển KT-XH. Trong đó, địa phương sẽ định vị thêm một đô thị tại xã Ba, triển khai và hình thành các dự án du lịch, khai thác quỹ đất dọc tuyến, cụm công nghiệp giáp với địa bàn Đà Nẵng, đặc biệt là mô hình kinh tế trang trại, du lịch cộng đồng”, ông Minh chia sẻ.

img

Cầu Dốc Rùa 2

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, bốn cầu xây dựng mới trên QL14G qua huyện Đông Giang (Quảng Nam) phù hợp với khổ đường sẽ được mở rộng theo quy hoạch, vượt lũ trong tương lai.

Trong mùa mưa lũ năm 2020 và cơn bão số 5 năm 2021 vừa qua, các ngầm tràn tại 4 vị trí cầu này đều bị ngập, nhưng nhờ có các công trình cầu xây mới đưa vào sử dụng nên giao thông không trên tuyến QL14G bị chia cắt, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

“Những cây cầu mới không chỉ đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, mà còn tạo ra một không gian kết nối cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi huyện Đông Giang, vùng biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”, ông Bình nhấn mạnh.

Sở GTVT Quảng Nam cho biết, QL14G dài 65km, là tuyến đường kết nối TP Đà Nẵng đến huyện Đông Giang (Quảng Nam) và liên thông với đường Hồ Chí Minh đi tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để phục vụ nhân dân đi lại và đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến, tạo điều kiện phát triển KT-XH, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT đề xuất đưa dự án nâng cấp, mở rộng QL14G theo tiêu chuẩn cấp IV.

Theo Bộ GTVT, việc đề xuất nâng cấp tuyến QL14G theo quy hoạch là cần thiết, tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn vốn nên chưa thể đầu tư vào giai đoạn này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.