Diện tích GPMB rất lớn
Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam họp triển khai dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), tại dự án này, sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) dài 60km sẽ được nạo vét luồng rộng 30m, sâu 2,3m, đảm bảo khai thác hiệu quả đối với tàu có trọng tải đến 100 tấn lưu thông 2 làn.
Tổ hợp công trình thoát lũ TP Tam Kỳ sẽ xây dựng kênh tiêu và các công trình trên kênh nối từ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang dài 2,38km, bề rộng đáy kênh 50m.
Ngoài ra, trên sông Trường Giang sẽ được xây dựng có 6 cây cầu mới, gồm: Cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến và 1 cầu dân sinh hoàn trả, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Trần Cảnh Hà, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, các hạng mục của dự án đều yêu cầu thu hồi đất và ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân.
Qua khảo sát, kiểm kê ban đầu, có 1.068 hộ dân bị ảnh hưởng với gần 100ha đất ở và đất nông nghiệp.
Trong đó, 796 hộ bị ảnh hưởng 20% tổng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng vĩnh viễn khoảng 159 căn nhà chính, dẫn đến phải di dời 272 hộ dân.
Có 126 hộ phải xây dựng lại nhà trên diện tích đất còn lại, 146 hộ cần di dời đến các khu tái định cư. Ngoài ra, có hơn 7 ngàn hộ dân dọc sông Trường Giang bị ảnh hưởng sinh kế, cần hỗ trợ phục hồi sinh kế, chuyển đổi nghề, khôi phục thu nhập.
Theo ông Hà, hạng mục đầu tiên của dự án dự kiến khởi công vào tháng 9/2025. Dự án này có thành công hay không quan trọng nhất là ở công tác GPMB bởi diện tích bị ảnh hưởng tương đối lớn.
Là địa phương có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, đối với hạng mục nạo vét sông Trường Giang, huyện có 7 xã với khoảng 287 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, 84 hộ bị ảnh hưởng nặng, nhiều hộ cần di dời, tái định nơi khác. Còn dự án xây dựng các cầu có khoảng 269 hộ với 61 hộ bị ảnh hưởng nặng.
Ông Hùng cho hay, khó khăn nhất hiện nay là dọc sông Trường Giang đoạn qua địa bàn huyện có hơn 1.200 ao nuôi thủy sản (tổng diện tích hơn 307ha), đa phần các ao nuôi này là lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất hoa màu hằng năm để đắp bờ làm ao nuôi.
Ông Hùng nhận định đây sẽ là khó khăn lớn nhất trong công tác GPMB của dự án.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, không đổ lỗi thiếu người, thiếu cán bộ
Ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh việc triển khai dự án "Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam" là nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống chính trị toàn tỉnh.
"Tất cả phải vào cuộc quyết liệt để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ. Bí thư, chủ tịch huyện cũng phải xắn tay áo lên cùng làm công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư", ông Hưng nói.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, GPMB được xem là yếu tố tiên quyết đối với việc thành công của dự án. Lãnh đạo các huyện có dự án đi qua phải tập trung xây dựng ngay kế hoạch cụ thể cho từng phần việc, chứ không làm chung chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, đây là dự án hết sức ý nghĩa đối với tỉnh, những công việc làm thời gian qua chỉ là bước đầu trong khối lượng công việc rất lớn của dự án.
"Vì vậy, chúng ta cần quyết tâm cao hơn, hành động phải quyết liệt hơn, công việc phải cụ thể hơn để đảm bảo hoàn thành dự án này đúng tiến độ", ông Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao các địa phương quản lý tốt hiện trạng không được cho tổ chức, cá nhân cơi nới, phát sinh thêm tài sản vật kiến trúc trên dự án. Nếu phát hiện việc cố tình vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm.
Đồng thời, tiến hành kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để trình phê duyệt.
"Việc này rất quan trọng nên phải huy động lực lượng quyết tâm làm cho bằng được. Không được đổ lỗi cho việc thiếu người, thiếu cán bộ, phải huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, việc quan trọng khi triển khai dự án là phải xây dựng các phương án tái định cư tốt nhất cho người dân, phải đảm bảo đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải tốt hơn, tránh tình trạng khi di dời người dân đến nơi ở mới nhưng đời sống người dân lại gặp khó khăn hơn nơi ở cũ.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng (tương đương 113 triệu USD) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), vốn đối ứng của tỉnh gần 900 tỷ đồng.
Dự án do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận