Gần 13 năm triển khai xây dựng dự án thủy điện Tr’hy (xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) là chừng đó thời gian người dân địa phương phải sống trong cảnh cực hình vì đường sá dang dở, nắng bụi, mưa lầy.
Đường đất nắng bụi, mưa lầy
Dự án thủy điện Tr’hy nằm trên địa bàn xã Tr’hy (huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) do Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, triển khai thực hiện trên dòng suối Tà Púc, thượng nguồn sông Bung. Công trình có công suất lắp máy 30MW, tổng diện tích dự án thủy điện Tr’hy hơn 1,3 triệu m2, trong đó diện tích lòng hồ là 948.777m2. Với 600 tỷ đồng, đây được xem là công trình có vốn đầu tư và quy mô lớn nhất vùng đất này.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” con đường đất dẫn vào xã Tr’hy đầy “ổ voi, ổ trâu”, nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư xã Tr’hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) lắc đầu: Gần 13 năm triển khai xây dựng dự án thủy điện Tr’hy nhưng nhà đầu tư làm mãi vẫn chưa xong con đường dài 12km đi vào nhà máy thủy điện, vào khu đập thủy điện chính và đấu nối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tr’hy.
“Nền đường các tuyến này chỉ là đường đất, nắng bụi, mưa lầy, giao thông khó khăn và mất ATGT. Người dân bức xúc phản ánh, kiến nghị với chính quyền xã, chúng tôi cũng chỉ biết chuyển kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Kiến nghị, phản ánh liên tục mà đường vẫn dang dở”, ông Tuấn nói.
Ông A Lăng Hướp, Chủ tịch UBND xã Tr’hy cho biết thêm, không chỉ đường vào các làng khu vực dự án thủy điện dang dở, mà tuyến đường QL14G qua địa bàn xã Tr’hy cũng bị hư hỏng nặng vì xe vận chuyển vật liệu, vật tư, thiết bị phục vụ xây dựng công trình thuỷ điện tàn phá.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho hay, tuyến đường đi vào nhà máy thủy điện, vào khu đập thủy điện chính và đấu nối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Tr’hy tạo điều kiện kết nối, thông thương, đi lại thuận lợi cho người dân địa phương. Tuy nhiên, tuyến đường này chưa được trải thảm cấp phối, đổ bê tông nên việc đi lại của người dân hết sức vất vả.
“Các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, vật tư, thiết bị phục vụ xây dựng công trình thủy điện đều là phương tiện có tải trọng lớn, nên cứ có mùa mưa lớn là đường sá bùn lầy như ruộng, người dân không thể qua lại. UBND huyện Tây Giang đã nhiều lần liên hệ, kiến nghị chủ đầu tư dự án thủy điện sớm làm đường cho dân, nhưng đến nay huyện Tây Giang không nhận được thông tin phản hồi”, ông Linh cho biết.
Theo ông Linh, hiện nay, trên địa bàn huyện Tây Giang đều đã có đường bê tông, ô tô vào tận các làng, xã. Ở địa bàn xã Tr’hy, các tuyến đường vào các thôn, làng cũng đã có đường bê tông, riêng 12km đường thuộc khu vực công trình thủy điện đang còn dang dở, chưa có đường bê tông kết nối. Trách nhiệm thi công, xây dựng tuyến đường này là chủ đầu tư dự án thủy điện - Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng.
Chưa xây dựng vì sợ đường hư hỏng (!?)
Giải thích về việc chậm trễ hoàn thiện tuyến đường, ông Lê Quang Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng - chủ đầu tư dự án thủy điện Tr’hy cho hay: Việc chậm đổ cấp phối, bê tông tuyến đường là vì hiện nay phương tiện vận chuyển có tải trọng lớn liên tục ra vào công trình thủy điện. Nếu đổ bê tông làm đường thì đường sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, kinh phí xây dựng sẽ phát sinh, gây khó khăn cho chủ đầu tư.
“Chúng tôi sẽ triển khai xây dựng đường bê tông ngay khi vận chuyển, xây dựng, lắp đặt xong các hạng mục thiết bị hạng nặng. Trong tháng 6/2020, khi lắp đặt xong hệ thống tua-bin máy phát điện, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng tuyến đường, giúp bà con, người dân địa phương đi lại thuận tiện hơn”, ông Hòa cho biết.
Theo ông Lê Quang Hòa, công trình đường bê tông khu vực công trình thủy điện nối vào xã Tr’hy có kinh phí đầu tư khoảng 28 tỷ đồng. Công trình có chiều dài hơn 12km, bề rộng mặt đường 3m. Dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2020, công trình đường này sẽ triển khai thi công hoàn thiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận