Xã hội

Quảng Ngãi chuẩn bị gì cho việc sáp nhập các xã trong giai đoạn tới?

03/12/2024, 11:28

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố trong đó có Quảng Ngãi. Vậy Quảng Ngãi đã chuẩn bị những gì cho việc thực hiện chủ trương của Trung ương?

Những xã, thị trấn nào sẽ sáp nhập?

Ngày 2/12, đại diện Sở Nội vụ cho biết, qua rà soát, đánh giá và thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sáp nhập.

Quảng Ngãi chuẩn bị gì cho việc sáp nhập các xã trong giai đoạn tới?- Ảnh 1.

Xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) là một trong những đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, các xã trên được thực hiện theo chủ trương căn cứ vào các quy định về diện tích, quy mô dân số và một số quy định liên quan khác. Qua đó, trên địa bàn Quảng Ngãi có 9 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập còn 6 đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đức Lợi với xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức) và lấy tên mới là Thắng Lợi. Như vậy, sau sáp nhập, xã Thắng Lợi có diện tích 16,38km2 và quy mô dân số 16.965 người.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, huyện Mộ Đức còn 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 1 thị trấn.

Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa An với xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) và lấy tên mới là xã An Phú.

Sau khi sáp nhập, xã An Phú có diện tích 7,69km2 và quy mô dân số 31.306 người. Như vậy sau khi sắp xếp, TP Quảng Ngãi có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 13 xã.

Hai các xã ven biển nằm trong diện thực hiện sáp nhập thì tại huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh cũng thực hiện việc sáp nhập. Cụ thể, nhập, điều chỉnh 2,99km diện tích tự nhiên và hơn 4.900 người của xã Nghĩa Mỹ và 0,78km tự nhiên, trên 1.700 người của xã Nghĩa Phương vào thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa).

Phần còn lại của xã Nghĩa Mỹ sẽ nhập vào phần còn lại của xã Nghĩa Phương. Sau sắp xếp, thị trấn Sông Vệ đảm bảo tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đơn vị hành chính đô thị và đạt tiêu chí đô thị loại V.

Đối với huyện Sơn Tịnh, thành lập thị trấn Tịnh Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích 19,81km2, quy mô dân số 18.234 người của xã Tịnh Hà và một phần diện tích 0,37km2, quy mô dân số 647 người của xã Tịnh Sơn. Sau khi thành lập, thị trấn Tịnh Hà có diện tích 20,18km2 và quy mô dân số 18.881 người.

Sau khi điều chỉnh, xã Tịnh Sơn có diện tích 14,36km2 và quy mô dân số 9.689 người.

Quảng Ngãi sẵn sàng cho việc sắp xếp

Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị hành chính cấp xã.

Đây là lần thứ 2 Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã, phường và huyện kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngoài sáp nhập nhiều xã, Quảng Ngãi cũng thực hiện chủ trương sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng.

Đồng thời, trong đợt sắp xếp năm 2020, Quảng Ngãi cũng chính thức giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình để thực hiện chính quyền một cấp. Biến huyện đảo Lý Sơn thành đơn vị hành chính không có cấp xã.

Quảng Ngãi chuẩn bị gì cho việc sáp nhập các xã trong giai đoạn tới?- Ảnh 2.

Với kinh nghiệm đã từng triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện nên tỉnh Quảng Ngãi tự tin sẽ hoàn thành tốt công tác sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính các xã trong thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ chia sẻ: Quảng Ngãi ít nhiều đã có kinh nghiệm trong sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện và cơ bản đảm bảo đúng quy định, ổn định về mặt hành chính nên trong đợt sắp xếp chính quyền các xã, thị trấn tới sẽ không có quá nhiều áp lực.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương Võ Danh Ngọc cho biết, chủ trương sáp nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ sẽ sáp nhập vào xã Nghĩa Phương; nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số thôn Năng Tây 2, thôn Năng Tây 3 vào thị trấn Sông Vệ. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đồng thuận cao với phương án sáp nhập.

Đối với các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến diện tích, dân số thôn Năng Tây 2 và thôn Năng Tây 3 đã có sẵn.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mong muốn sau sáp nhập, tỉnh, huyện cần quan tâm đầu tư để xã có hạ tầng đồng bộ. Trong đó, cần đầu tư xây dựng cầu nối Mỹ Thành với thôn Bách Mỹ nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Ngọc kiến nghị.

Liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công cũng đã được xây dựng để triển khai thực hiện nhằm giữ vững sự ổn định.

Được biết, Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên hơn 5.155km2, dân số trên 1,6 triệu người với 13 đơn vị hành chính cấp huyện; 170 đơn vị hành chính cấp xã.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.