Kinh tế

Quảng Ngãi: Doanh nghiệp đấu giá mỏ vật liệu "trên trời" rồi… bỏ chạy

17/08/2023, 20:23

Nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và bỏ giá “khủng” để được trúng, song sau đó… bỏ chạy.

Bỏ giá gấp hàng chục lần rồi hủy

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thời gian qua, để khai thác có hiệu quả nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra tổ chức bán đấu giá hàng loạt mỏ vật liệu như cát, đá…

Thế nhưng, sau khi trúng đấu giá, nhiều doanh nghiệp đã bỏ chạy.

img

Tính từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn Quảng Ngãi có ít nhất 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ VLXD và trúng đấu giá nhưng sau đó bỏ chạy.

Tại mỏ cát Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành), theo hồ sơ, mỏ cát này có trữ lượng dự báo khoảng 75.000m3 trên diện tích 4,67ha, mức giá khởi điểm mà tỉnh này đưa ra để tổ chức đấu giá là 570 triệu đồng.

Trong phiên đấu giá các doanh nghiệp tham gia đấu giá đã “so kè” từng mức và đẩy phiên đấu giá “nóng” lên khi mức giá được bỏ đã tăng lên gấp nhiều lần.

Cuối cùng, Công ty TNHH Xây lắp và thương mại Phú Cường (trụ sở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) đã trúng đấu giá với số tiền 16 tỷ đồng. Tăng gấp 28 lần so với giá khởi điểm.

Kết thúc phiên đấu giá, dư luận tại Quảng Ngãi đã không khỏi ngỡ ngàng với mức giá “trên trời” mà doanh nghiệp này “chốt” trong phiên đấu giá. Vào thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác mỏ tại Quảng Ngãi khẳng định: Với mức giá đó nếu khai thác thì “lỗ chỏng vó”.

“Họ đấu cho sướng mồm thôi chứ chắc chắn không khai thác đâu. Nếu có đúng trữ lượng cát như dự báo thì khi khai thác cũng không thể huề vốn được chứ đừng nói đến có lãi. Khả năng đấu cho vui”, một doanh nghiệp nhận định.

Không ngoài dự đoán của cộng đồng doanh nghiệp, chủ mỏ cát này sau đó đã “bỏ chạy”. Trong văn bản đề nghị trả lại mỏ cát, Công ty Phú Cường cho rằng trữ lượng dự báo mỏ cát Xuân Đình là 75.000m3. Nhưng qua thăm dò khảo sát trữ lượng thực tế tại mỏ sau khi trúng đấu giá quá ít so với dự báo.

img

Việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ VLXD và trúng đấu giá nhưng sau đó xin hủy kết quả để lại nhiều hệ lụy về công tác quản lý nhà nước của địa phương trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, sau đó ngành chức năng Quảng Ngãi kiểm tra và nhận thấy trữ lượng cát ở mỏ cát Xuân Đình vẫn như dự báo. Lý do Công ty Phú Cường đưa ra là không có cơ sở. Từ đó, tỉnh Quảng Ngãi đã hủy kết quả trúng đấu giá và không hoàn trả số tiền 57 triệu đồng mà doanh nghiệp này đã đặt cọc trước đó.

Tương tự, tại mỏ cát Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), theo hồ sơ tổ chức phiên đấu giá thì mỏ cát này có trữ lượng dự báo khoảng 122.000m3, diện tích trên 6 ha. Theo đó, giá khởi điểm được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra bán đấu giá hơn 839 triệu đồng. Cũng như tại mỏ cát Xuân Đình, các doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ cát Ngân Giang cũng “hét” giá trên trời nhằm “hạ nock out đối thủ”. Chính điều này đã đẩy mức giá lên đến 44,3 tỷ đồng, tăng khoảng 47 lần so với giá khởi điểm và Công ty CP Đầu tư và phát triển TCH Quảng Ngãi là doanh nghiệp được công nhận kết quả trúng đấu giá.

Thế nhưng, thời gian ngắn sau phiên đấu giá, Công ty TCH Quảng Ngãi đã có đơn xin trả lại mỏ cát với lý do tài chính không đảm bảo.

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá điểm bồi tụ cát 1,58ha ở thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng do Công ty TNHH Xây lắp cơ khí công nghiệp và dân dụng Thịnh Thiện, trúng đấu giá tại phiên đấu giá vào tháng 2/2023.

Ngoài các doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ cát “bỏ của chạy lấy người” thì vừa qua một doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ đá cũng có đơn xin trả lại mỏ. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi quyết định hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò, đối với mỏ đá chẻ diện tích 2,84 ha, tại thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, đã công nhận cho Công ty cổ phần Thương mại 239 trúng đấu giá tại phiên đấu giá trước đó.

Sẽ xử mạnh tay với doanh nghiệp đấu giá cho… sướng miệng

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng tình trạng khan hiếm nguồn VLXD rất lớn, nhất là cát xây dựng dẫn đến tình trạng giá cát tăng chóng mặt và “cát tặc” lộng hành tại nhiều địa phương.

Do đó, việc tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đưa loạt mỏ cát ra bán đấu giá nhằm “hạ nhiệt” thị trường cát và đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu xây dựng. Song, việc nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá các mỏ cát và trúng đấu giá nhưng rồi bỏ chạy đã tác động không nhỏ tới việc điều hành, ổn định nguồn cung cát xây dựng.

img

Hoạt động khai thác cát lậu diễn ra rầm rộ trong thời gian qua do nguồn cung hạn hẹp.

Việc các doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng “bỏ của” làm ảnh hưởng lớn đến thị trường VLXD cũng như ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý của tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, tỉnh này lại phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng lại hồ sơ để tổ chức đấu giá lại các mỏ cát trên gây tốn kém nguồn lực tài chính và con người.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, việc doanh nghiệp đấu “sống chết” đẩy giá lên cao rồi bỏ giữa chừng đã tạo ra tiền lệ xấu. Chế tài đầu tiên là hai doanh nghiệp trả mỏ cát trên không được trả tiền cọc đấu giá. Đồng thời, cấm không cho tham gia đấu giá mỏ VLXD trong thời gian một năm.

“Về lâu dài sẽ nghiên cứu các quy định của pháp luật để kiến nghị UBND tỉnh có phương án chế tài mạnh hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp đấu cho sướng miệng rồi bỏ chạy”, lãnh đạo Sở TN&MT thông tin thêm.

Được biết, từ năm 2022 đến tháng 5/2023, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công 12 mỏ cát ở khu vực chưa có kết quả thăm dò, với trữ lượng dự báo gần 4 triệu m3. Trong đó, có 5 mỏ cát đấu giá trong năm 2022 và 7 mỏ cát đấu giá trong năm 2023. Đến nay, đối với 7 mỏ cát đấu giá thành công năm 2023, đến nay đã có 3 mỏ đã được cấp phép khai thác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.