Ngày 27/1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký ban hành Chỉ thị số 02, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ quan trọng tác động đến cả nhiệm kỳ.
Cụ thể tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là đến ngày 30/6, giải ngân phải đạt ít nhất 40% kế hoạch vốn được giao; trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2023 phải giải ngân ít nhất là 80%.
Từ ngày 31/7 đến ngày 30/11/2023, giải ngân phải đạt ít nhất là 90% kế hoạch vốn được giao và đến ngày 31/12/2023, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023).
Theo ông Đặng Văn Minh, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, việc tập trung khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho tỉnh, góp phần phát triển nhanh và bền vững…. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện và thể hiện quyết tâm cao nhất, xem đây là nhiệm vụ chính trị lớn để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công được bố trí trong năm 2023 vào ngày 31/12.
Để đạt được tiến độ giải ngân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đối với các dự án quyết toán, hoàn trả ứng trước được giao vốn trong năm, thực hiện hoàn tất thủ tục giải ngân chậm nhất 30 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao vốn.
Đối với các dự án hoàn thành trong năm 2023, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt theo đúng quy định.
Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023, tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện; phải có khối lượng và giao dịch với Kho bạc nhà nước để giải ngân vốn chậm nhất trong quý I năm 2023.
Đối với các dự án khởi công mới được giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm phải hoàn chỉnh việc lựa chọn nhà thầu, khởi công chậm nhất trong quý II.
Tỉnh Quảng Ngãi đề ra kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng trước ngày 31/12.
Đối với các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 còn lại chưa phân bổ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, hoàn thành trước ngày 15/2; tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ hết kế hoạch vốn còn lại tại Kỳ họp chuyên đề gần nhất; tập trung triển khai thực hiện dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn. Các dự án được giao vốn trong năm phải triển khai thi công chậm nhất trong Quý III năm 2023.
Được biết, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bố trí nguồn lực đầu tư công hơn 7.443 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 4.414 tỷ đồng, bao gồm vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh hơn 1.992 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất 1.985 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết 70 tỷ đồng; nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hơn 130,3 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương hơn 236,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 3.028 tỷ đồng (vốn trong nước 2.944,9 tỷ đồng, bao gồm vốn bố trí theo ngành, lĩnh vực khoảng 1.796 tỷ đồng; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hơn 560,3 tỷ đồng; vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 588,6 tỷ đồng. Vốn nước ngoài (ODA) hơn 83,8 tỷ đồng).
Trong số các công trình, dự án được bố trí nguồn vốn đầu tư công lớn chủ yếu là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông như: Công trình đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh giai đoạn II thành phần 1 (1.200 tỷ đồng); đường Thạch Bích - Tịnh Phong (700 tỷ đồng); cầu Trà Khúc 3 (gần 1.000 tỷ đồng); đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi (3.500 tỷ đồng)…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận