Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ vì vướng mặt bằng
Ngày 2/7, tại buổi họp báo quý II/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn có vốn đầu tư từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ đồng mỗi dự án. Tuy vậy, thời gian qua nhiều dự án đang rơi vào cảnh khó khăn, tạm ngừng thi công do nhiều vướng mắc.
Trong số các dự án đang triển khai nhưng "bế tắc" phải kể đến dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (3.500 tỷ); đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (2.000 tỷ); đường Thạch Bích - Tịnh Phong (700 tỷ); cầu Trà Khúc 3 (850 tỷ); đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (1.500 tỷ)…
Phần lớn các dự án này thi công đạt khoảng ½ sản lượng, song giai đoạn cuối lại gặp vướng mắc về mặt bằng dẫn đến thi công cầm chừng, có dự án phải tạm ngừng thi công trong thời gian dài.
Ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho biết, tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là công trình giao thông phần lớn chậm tiến độ từ nhiều năm qua.
Nguyên nhân là vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, khâu bồi thường, GPMB chậm là do các địa phương chậm trong việc xác định giá đất cụ thể. Từ đó, dẫn đến việc trình thẩm định phê duyệt phương án bồi thường chậm.
"Muốn tiến độ các dự án nhanh thì phải có cơ chế bồi thường, từ đó mới phê duyệt được phương án để chi trả tiền cho người dân. Khi mặt bằng thông thoáng thì mới triển khai thi công, lên khối lượng để giải ngân được. Song, vòng luẩn quẩn này đến nay vẫn chưa được tháo gỡ dẫn đến mọi thứ đều chậm", ông Dụng nói.
Dẫn chứng điều này, ông Dụng chỉ rõ, dự án đường Thạch Bích - Tịnh Phong, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2024, nhưng đến nay mặt bằng vẫn còn vướng, công tác thi công đứt quãng nên tiến độ chung bị chậm.
Phần lớn vướng mặt bằng liên quan đến đất và nhà trên đất. Hiện các hộ dân này vẫn chưa được bố trí đất tái định cư nên mặt bằng không thể thông được.
Để tháo nút thắt mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, ông Dụng cho biết, thời gian đến sẽ phối hợp cùng các địa phương, sở ngành tập trung công tác bồi thường, GPMB các dự án để đảm bảo công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ, góp phần vào công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Để làm rõ thêm tình hình các dự án đầu tư công đang chậm trễ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác thi công, giải ngân vốn đầu tư công các dự án. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay các dự án đều rơi vào điểm nghẽn vì nhiều lý do. Trong đó, bộ máy có sự thay đổi về người đứng đầu.
Đồng thời, quy định Luật đất đai mới có sự thay đổi, nghị định của Chính phủ vừa được bổ sung cùng với đó là nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến bồi thường, GPMB, chuyển đổi đất lúa… từ đó các cơ quan liên quan của tỉnh phải tạm dừng triển khai các dự án đang được đầu tư để làm lại hồ sơ cho thích hợp.
"Đơn cử như các địa phương đã xây dựng bảng giá đất cụ thể để bồi thường rồi, nhưng quy định mới về cơ chế bồi thường từ Trung ương nên phải dừng lại để làm quy trình mới. Làm nhanh nhất cũng mất 75 ngày, yêu cầu có đơn vị tư vấn định giá đất, nhưng hiện ở Quảng Ngãi không có đơn vị tư vấn dẫn đến khó khăn.
Công tác bồi thường, GPMB là vấn đề khó khăn, nan giải, nhất là công tác quản lý đất đai của các địa phương trong thời gian qua chưa chặt chẽ nên hạn chế trong việc xác định nguồn gốc đất, từ đó khiến các dự án chậm", ông Tuấn nói.
Quyết tâm vượt khó giải ngân hết 6.200 tỷ đầu tư công
Được biết, năm 2024, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi là 6.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 4.900 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 1.200 tỷ đồng.
Phần lớn nguồn vốn trên được ghi vốn bố trí cho nhóm 8 dự án trọng điểm do tỉnh làm chủ đầu tư. Thế nhưng, với tình hình hiện tại của các dự án lớn đang đặt ra nhiều dấu hỏi về tiến độ xây lắp, giải ngân vốn.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho biết, sau nhiều nỗ lực, đến thời điểm hiện tại nhiều dự án có vốn đầu tư lớn do đơn vị làm chủ đầu tư đã hồi sinh. Công trường đã rộn ràng tiếng thiết bị cơ giới, nhân lực làm việc.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm và xây dựng kế hoạch triển khai các dự án bao gồm thời gian, tiến độ, trách nhiệm của từng công trình, cá nhân. Từ đó, việc theo dõi định kỳ, có những chỉ đạo kịp thời đã góp phần giúp các dự án tái khởi động trở lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn thừa nhận các dự án chậm tiến độ là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên UBND tỉnh và các đơn vị liên quan nỗ lực và cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
"Về cơ bản, nguồn vốn đầu tư công đã được bố trí cho các dự án sẽ được giải ngân đảm bảo theo kế hoạch với tinh thần là hết năm 2024 sẽ giải ngân 100%. Đây là trách nhiệm của từng cơ quan liên quan. Tuy vậy, nếu có dự án chậm thì tỉnh sẽ điều tiết nguồn vốn từ dự án chậm sang dự án có khối lượng để đảm bảo công tác giải ngân", ông Tuấn khẳng định.
Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi để các dự án triển khai đảm bảo tiến độ, tỉnh mong các cơ quan báo chí đồng hành, hỗ trợ trên mặt trận thông tin để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cơ quan chức năng, góp phần hoàn thành các dự án như kế hoạch đề ra, nhất là công tác bồi thường, GPMB.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách ước đạt 14.555 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ, bằng 57% dự toán năm.
Đến ngày 31/5, giải ngân được 721 tỷ đồng, ước đến 30/6, giải ngân khoảng 1.525 tỷ đồng, bằng 24,2% kế hoạch vốn giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận