Nhiều lần muốn biến di sản thành nhà máy điện mặt trời
Tìm hiểu của PV, đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm và sát bờ biển nên ngoài tạo cảnh quan cho khu vực này thì đây còn là ngư trường khai thác hải sản hàng trăm năm qua của người dân nơi đây.
Đầm An Khê có diện tích mặt nước 347ha, chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km từng nhiều lần được tỉnh Quảng Ngãi "nâng lên đặt xuống" trong việc làm dự án điện mặt trời.
Đồng thời, đầm An Khê được công nhận là di sản của đất nước khi gắn kết chặt chẽ với di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh tại gò Ma Vương cách đầm nước chỉ vài bước chân. Từ lâu, ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần muốn “nâng cấp” đầm nước này trở thành điểm đến của khách du lịch.
Tuy nhiên, khi những khát vọng đó chưa thành hiện thực thì vào năm 2017, Công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống (Systech) đề xuất quy hoạch và đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê với quy mô 33,9 ha, công suất thiết kế 50 MWp, mức đầu tư 981 tỷ đồng và Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng (công ty con của Systech) đề xuất với quy mô 32,8 ha, công suất thiết kế 50 MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng.
Từ đề xuất của doanh nghiệp, sau các cuộc họp lấy ý kiến đơn vị chức năng, UBND tỉnh Quảng Ngãi trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi xem xét và được thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê.
Nhưng các dự án này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các chuyên gia văn hóa, nhà khoa học nên dự án điện mặt trời ở đầm An Khê... chìm vào quên lãng.
Đầm An Khê nhìn từ Gò Ma Vương, nơi phát hiện nhiều mộ chum của nền Văn hóa Sa Huỳnh từng suýt bị hô biến thành dự án điện mặt trời.
Sau 5 năm, tưởng chừng đề xuất trên đã “chết yểu”, bất ngờ mới đây (ngày 15/4/2022), Công ty Systech tái khởi động lại tái đề xuất dự án điện mặt trời. Theo nguồn tin PV, tại cuộc họp về vấn đề này, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kết luận tạm dừng dự án và đề nghị các bên liên quan đánh giá lại.
Thế nhưng, chỉ 4 ngày sau, vào ngày 19/4, tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung dự án điện mặt trời ở đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia. Theo hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, hai dự án sử dụng khoảng 658.000 m2 mặt nước (chiếm hơn 19% diện tích đầm).
Ngay lập tức, dư luận tại tỉnh lại “dậy sóng”. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học tỏ rõ quan điểm cá nhân bằng việc phản đối chủ trương trên của Quảng Ngãi. PGS.TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nguyên trạng đầm An Khê vì đây là không gian của người cổ Sa Huỳnh, liên quan đến lịch sử dân tộc. Nếu mất đầm An Khê thì sẽ không còn cái đầm thứ hai trên thế giới mang giá trị tương tự và chắc chắn sẽ không cứu vãn được.
Tương tự, GS.TS Lưu Trần Tiêu cho biết từ năm 2019, sau khi khảo sát thực địa và lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia đầu ngành, ông đã ký văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi đề nghị không thực hiện dự án điện mặt trời ở đầm An Khê.
Đầm An Khê ngoài là ngư trường truyền thống của người dân trong vùng thì nơi đây đang được người dân khai phá để phát triển du lịch.
Còn với người dân ở quanh khu vực đầm An Khê một mực cho rằng chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi trong việc làm dự án điện mặt trời trên đầm An Khê là "sai lầm của trăm năm".
Ông Lê Tấn Chuẩn, tổ trưởng tổ dân phố Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh) cho rằng, bao đời nay đầm là sinh kế của hàng nghìn người dân Phổ Khánh, Phổ Thạnh với nghề đánh bắt hải sản và làm nông. Hiện bà con đã khai thác du lịch, chở khách tham quan đầm. Dự án điện mặt trời không được đụng đến đầm An Khê. Nếu làm điện mặt trời thì đầm nước này sẽ “chết”.
Quảng Ngãi dừng làm điện, phát huy văn hóa đầm An Khê
Trao đổi với PV về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến liên quan dự án thủy điện, mới đây (ngày 21/10), tỉnh ủy Quảng Ngãi họp, ban hành kết luận, nêu rõ: “Thống nhất không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đồng thời tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh như đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh việc lập hồ sơ. Trong đó, lưu ý hồ sơ phải đảm các cơ sở pháp lý, co sở thực tiễn của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khảo sát đầm An Khê và di chỉ văn hóa Sa Huỳnh hồi tháng 9/2022 và chỉ một tháng sau tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ không đồng ý làm điện mặt trời trên đầm An Khê và loại khu vực này ra khỏi quy hoạch điện lưới quốc mà chỉ 5 tháng trước tỉnh này có công văn gửi Bộ Công thương xin đưa vào quy hoạch điện lưới quốc gia.
Đầm An Khê cất giấu bên dưới nhiều ẩn số về nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng nghìn năm.
Việc tỉnh Quảng Ngãi loại bỏ quy hoạch điện lưới quốc gia đối với đầm An Khê đã nhận được sự tán thành rất lớn của dư luận và các nhà khoa học. Bởi việc làm này không chỉ giữ lại giá trị hàng nghìn năm của đầm nước độc nhất vô nhị này mà còn bảo vệ được nền văn hóa Sa Huỳnh để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và phát huy các giá trị của thế hệ cha ông để lại. Đặc biệt, việc làm này còn cho thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã nhìn xuống và lắng nghe tiếng nói của người dân, nhà khoa học.
Theo PGS.TS môi trường Võ Văn Minh - Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, đầm An Khê là điểm gắn kết chặt chẽ với di sản văn hóa Sa Huỳnh. Về môi trường, đầm An Khê là hệ sinh thái đầm ngập nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học cho khu vực.
“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo chiều sâu và cần được kết nối trong không gian rộng”, PGS.TS Minh nói.
Theo tài liệu, năm 1909, các nhà khảo cổ học phương Tây đã khảo cổ quanh khu vực đầm An Khê và phát hiện mộ chum cùng nhiều vật dụng là dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh...
Đã 113 năm từ phát hiện đầu tiên, giới khảo cổ học trong nước đã mở rộng các cuộc khai quật phát hiện văn hóa Sa Huỳnh khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khẳng định không gian quanh đầm An Khê là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh (một trong 3 nền văn hóa quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam).
Đến nay, đáy đầm An Khê vẫn chưa được khai quật, giới nghiên cứu di sản đánh giá đầm còn chứa đựng nhiều bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận