Đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển nông nghiệp
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh trong thời gian tới.
Trong đó, việc quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng và vật nuôi… để thúc đẩy lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá triệt để.
Việc thúc đẩy chuyển đổi số được định hình với sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Thế nên, sự kết nối, hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ mang lại sự đột phá nhằm giải 6 bài toán thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp gồm: Hạ tầng số, quản lý chuỗi cung ứng nông sản, nền tảng thương mại điện tử nông sản, hệ thống đào tạo và tư vấn trực tuyến cho nông dân, tài chính số và bài toán về dữ liệu lớn ngành nông nghiệp.
Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 ha lúa, rau màu được doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vận hành tưới tự động, đã xây dựng 13 mã số vùng trồng nội địa. Nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP, trong đó có 130 sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Sở NN&PTNT đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến. Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến đều phát sinh hồ sơ và được giải quyết đúng thời hạn. Xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành, các ứng dụng, phần mềm để quản lý chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ rừng, hồ đập.
Tại Hội thảo Khoa học Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra trong đầu tháng 11 vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp Quảng Ngãi cần phải tập trung vào dữ liệu, hạ tầng. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đến nay việc truy cập băng rộng, internet của vùng ở chưa đạt được mức độ đáp ứng phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiêp. Ngoài ra cũng còn một số các giải pháp quan trọng khác cũng cần triển khai như phát triển quản trị số, đào tạo nguồn nhân lực
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định: Muốn chuyển đổi số thành công phải thực hiện từ cơ sở. Nghĩa là chính người nông dân cần am hiểu và sử dụng thành thạo các ứng dụng số trong sản xuất và bán sản phẩm của mình. Thúc đẩy chuyển đổi số thì chính mỗi người nông dân phải thực sự là một công dân số. Tập huấn và đào tạo kỹ năng số cần được chú trọng, phát triển kỹ năng và tri thức số. Ưu tiên nhóm kỹ năng liên quan đến sử dụng và khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử.
Nỗ lực mang quả ngọt cho nông dân
Nông nghiệp là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, chuyển đổi số là "chìa khoá" cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Trong năm 2024, rất nhiều hội thảo về chuyển đổi số nông nghiệp đã diễn ra, với sự tham gia các chuyên gia trên cả nước. Các hội thảo còn có sự nhìn nhận, đánh giá lại của các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều giải pháp từ doanh nghiệp.
Từ đó hỗ trợ Quảng Ngãi xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế số nông nghiệp.
Dù công cuộc CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp có những bước tiến, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hạ tầng số chưa phát triển đầy đủ, nguồn nhân lực cho CĐS còn mỏng, dữ liệu về nông nghiệp còn rời rạc, vẫn còn thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể trong CĐS,…
Vì vậy, để đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là nông dân phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy để tiếp cận khoa học, công nghệ.
Tiến sĩ Phạm Hoài Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, kinh tế số mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản, hoạt động sản xuất nông sản. Hoạt động chuyển đổi số hướng đến, tiếp cận được công nghệ mới trên thế giới.
Qua đó, tạo được thị trường số, thị trường này không giới hạn về mặt địa lý. Vì vậy chúng ta có thể tiếp cận từ Quảng Ngãi đến các quốc gia lớn Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… thông qua các giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử tiếp cận thông tin. Các doanh nghiệp nếu có kiến thức và năng lực có thể xuất khẩu trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn quốc tế như Alibaba, Amazon.
Quảng Ngãi xác định phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là phát triển kinh tế số của các ngành. Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Quảng Ngãi đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành. Từ đó, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, tỉnh có hoạch định lại một vài kế hoạch, trong đó phối hợp với Bộ NN&PTNT để đi cho chính xác. Khi có hướng dẫn cụ thể thì địa phương sẽ thực hiện. Sau khi kết nối lại chúng ta vừa có hạ tầng, vừa có công nghệ số, vừa có dữ liệu để tập trung phát triển.
"Mục đích cuối cùng là người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhau thắng lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, người sản xuất từ chính hoạt động của mình mà lâu nay chuyển đổi số đem lại cho người dân", ông Phương nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận