Các chủ đầu tư đồng loạt kiện nhà thầu ra tòa
Sau hơn 7 năm kể từ khi Công ty TNHH Hoàn Vũ (nhà thầu thi công gói thầu dự án đường Trà Phong-Trà Ka) ôm số tiền tạm ứng hơn 2,1 tỷ đồng “bỏ chạy”, năm 2017, UBND huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) đã “đâm đơn” khởi kiện nhà thầu ra tòa với hi vọng đòi lại khoản nợ tạm ứng quá hạn khó đòi “treo lơ lửng” nhiều năm trời.
Tuy nhiên, từ khi TAND huyện Tây Trà "tuyên án", Công ty TNHH Hoàn Vũ phải hoàn trả số tiền trên cho chủ đầu tư nộp lại vào ngân sách, Công ty TNHH Hoàn Vũ vẫn im lặng.
Khoản nợ tạm ứng hơn 2,1 tỷ đồng mà Công ty TNHH Hoàn Vũ "hốt của bỏ chạy" đến giờ việc thu hồi vẫn "treo" bất chấp huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) khởi kiện ra tòa và Tòa án đã ban hành bản án từ nhiều năm trước.)
Cũng trên địa bàn huyện Trà Bồng là dự án đường Trà Phong-Gò Rô-Trà Bung có dư nợ tạm ứng quá hạn hơn 5 tỷ đồng kể từ năm 2010 sau khi nhà thầu Thiên Vũ tạm ứng và “rút chạy” để lại công trình đầu tư dang dở.
Sau 7 năm đeo đuổi đòi nợ, năm 2017, huyện Tây Trà đã khởi kiện Công ty TNHH Thiên Vũ ra tòa. Chỉ vài ngày sau, TAND huyện Tây Trà mở phiên tòa xét xử, buộc công ty Thiên Vũ trả tiền, song việc thu hồi tiền nợ tạm ứng của huyện Tây Trà vẫn “treo”.
Đại diện UBND huyện Trà Bồng cho biết, bất đắc dĩ địa phương mới khởi kiện nhà thầu ra tòa, bởi trước đó việc “đòi nợ” được thực thi rất… tình cảm. Cụ thể, ngoài cử đại diện liên hệ làm việc với nhà thầu, huyện đã ban hành không dưới 30 văn bản để đòi nợ song bất thành. Do sức ép việc thu hồi nợ tạm ứng quá lớn nên địa phương phải kiện nhà thầu ra tòa theo quy định của pháp luật.
Sau khi Công ty Thiên Vũ ôm số tiền tạm ứng hơn 2,1 tỷ đồng của dự án đường Giá Nối-Mô Níc “biến mất”, huyện Sơn Hà tìm mọi cách để… đưa nhà thầu quay trở lại thi công dự án. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua và Công ty Thiên Vũ không hồi âm nên huyện Sơn Hà đã hủy hợp đồng xây lắp ký kết với công ty TNHH Thiên Vũ và khởi kiện nhà thầu này ra tòa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 10 năm, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đã để lại khoản nợ tạm ứng khó có khả năng thu hồi lên đến hơn 17,5 tỷ đồng.
Theo đó, trong đơn khởi kiện, huyện Sơn Hà buộc nhà thầu Thiên Vũ hoàn trả và bồi thường hợp đồng tổng số tiền lên đến hơn 4,6 tỷ đồng gồm: 2,1 tỷ đồng hoàn trả tiền tạm ứng; hơn 1,9 tỷ đồng bồi thường hợp đồng và hơn 550 triệu đồng tiền phạt chậm tiến độ.
Ngày 26/3/2015, TAND hyện Sơn Hà thụ lý vụ án và đưa ra xét xử. Trong cùng ngày, tòa án đã ban hành bản án số 01, yêu cầu Công ty TNHH Thiên Vũ nghiêm túc thực hiện bản án được tuyên. Thế nhưng, đến giờ đã 7 năm trôi qua, bản án mà TAND huyện Sơn Hà vẫn mãi chỉ nằm trên giấy khi nhà thầu vẫn biệt tăm.
Dai dẳng đòi nợ nhưng… chủ nợ vẫn trắng tay
Không riêng gì các dự án trên mà nhiều chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đồng loạt khởi kiện, đưa nhà thầu ra tòa với hi vọng “gỡ” lại phần tiền đã tạm ứng cho nhà thầu. Thế nhưng, đến giờ sau nhiều năm kể từ khi các bản án được tuyên, việc thu hồi nợ vẫn chỉ… nằm trên các văn bản đốc thúc đòi tiền.
Đơn cử như UBND TX. Đức Phổ, chủ đầu tư dự án đường Quốc lộ 1-Phổ Vinh có dư nợ tạm ứng hơn 2 tỷ đồng. Để thu hồi nợ, chủ đầu tư kiện nhà thầu ra tòa và Tòa án nhân dân TP.Quảng Ngãi đã ban hành bản án số 05, ngày 22/2/2021. Song, đến nay khoản nợ tạm ứng 2 tỷ đồng này vẫn ở trên giấy.
Hay trước đó, sau nhiều năm đòi nợ bất thành, năm 2017 huyện Ba Tơ đã khởi kiện Công ty TNHH Hưng Phát (nhà thầu thi công gói thầu số 8 dự án đường Ba Tơ-Ba Lế) ra TAND huyện Ba Tơ với hi vọng nhờ cơ quan thực thi pháp luật đòi hộ số tiền tạm ứng hơn 3,5 tỷ đồng mà nhà thầu “bỏ chạy”. Dù TAND huyện Ba Tơ đã ban hành quyết định bản án số 02, ngày 22/6/2017. Tuy vậy, đến giờ sau 5 năm kể từ khi bản án có hiệu lực, số tiền tạm ứng trên vẫn “biệt tăm”.
Sau khi Tòa án Nhân dân huyện Ba Tơ ban hành bản án số 02, năm 2017 yêu cầu Công ty TNHH Hưng Phát hoàn trả số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Song, đã 5 năm trôi qua việc thu hồi nợ mới chỉ dừng trên... giấy.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn thêm một nghịch lý nữa là nhiều dự án chưa triển khai thực tế nhưng chủ đầu tư đã “mát tay” tạm ứng và giờ lâm vào tình trạng nợ khó đòi.
Điển hình dự án Nuôi tôm trên cát Bình Phú (huyện Bình Sơn) do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi triển khai nữa chừng và Ban QLDA giải thể dẫn đến khoản nợ 183 triệu đồng treo lơ lửng. Hiện việc xử lý khoản nợ này đang được ngành Nông nghiệp xin ý kiến xử lý của UBND tỉnh.
Hay như dự án Phòng chống HIV/AIDS do Sở Y tế làm chủ đầu tư có dư nợ tạm ứng là 352 triệu đồng. Theo đó, dự án này không triển khai, khối lượng công việc tư vấn chuẩn bị đầu tư còn nợ và từ đó đến giờ Sở Y tế vẫn không biết cách nào để thu hồi tiền về.
Việc các chủ đầu tư mạnh tay chi tiền tỷ tạm ứng cho nhà thầu dẫn đến toàn tỉnh Quảng Ngãi lâm vào khoản nợ khó đòi hơn 17,5 tỷ đồng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nguồn vốn đầu tư công tại địa phương này cũng như chất lượng các dự án đầu tư từ ngân sách. Bên cạnh một số nhà thầu mất thanh khoản không đủ điều kiện để hoàn ứng thì nhiều nhà thầu vẫn cố tình chây ỳ không hoàn trả mà tìm cách thoái thác.
Điều trái khoáy là sau nhiều năm đưa các vụ án ra xét xử và tiến hành thực thi bản án, đến giờ các chủ đầu tư vẫn trắng tay. Việc thu hồi nợ vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ có thêm một cơ quan nhà nước khác phải vào cuộc là các Chi cục thi hành án dân sự. Nhưng rồi, mọi chuyện đâu vẫn vào đó, nợ hoàn nợ.
Việc các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để xảy ra khoản nợ tạm ứng quá hạn khó có khả năng thu hồi lên đến hơn 17,5 tỷ đồng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nguồn vốn đầu tư công tại địa phương này cũng như chất lượng các dự án đầu tư từ ngân sách.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi Phạm Hữu Thịnh, để sớm thu hồi số tiền tạm ứng quá hạn, nhất là đối với các khoản tạm ứng mà nhà thầu mất khả năng hoàn ứng hoặc toà án đã có bản án thì kiến nghị với cơ quan thi hành án báo cáo cụ thể biện pháp xử lý. Đối với nợ quá hạn chưa thu hồi mà chưa xử lý đề nghị các chủ đầu tư khởi kiện nhà thầu ra tòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đối với các khoản nợ tạm ứng quá hạn tính đến ngày 30/6/2022, yêu cầu đối với các Cơ quan Thi hành án báo cáo kết quả thi hành án đối với các dự án đã khởi kiện ra tòa, đã có bản án của Tòa án dân sự, đề xuất biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật gửi về Chủ đầu tư và KBNN tỉnh trước ngày 30/9/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận