Công trường dự án gần trăm tỷ lác đác vài công nhân
Ngày 14/5, ghi nhận thực tế tại công trường dự án đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước cho thấy, công tác tổ chức thi công dự án của nhà thầu rất hời hợt, cả công trường vắng lặng với vài công nhân đan rọ sắt cùng hai máy đào.
Tại khu vực xây dựng đập Bình Phước, nhà thầu thi công dự án là Công ty CP Đầu tư phát triển Gia Hưng đóng hai hàng cọc cừ lá sen vắt ngang sông để tạo công địa thi công. Trên công trường có hai máy đào được tập kết đến công trường, một thiết bị hoạt động đưa cọc cừ sang bờ sông phía xã Bình Phước, phương tiện còn lại thợ máy đang dốc sức sửa chữa.
Cạnh đó, hàng chục cọc bê tông cốt thép vuông nằm ngổn ngang chất chồng lên nhau. Có những cọc được tập kết từ nhiều năm trước nên cây cỏ dại mọc phủ kín. Cạnh đó, nhiều cọc cừ và cọc bê tông vừa được nhà thầu tập kết đến chân công trường.
Ngoài ra, nhà thầu cũng tập kết nhiều bi cống, xây dựng trạm hạ thế điện phục vụ thi công. Đặc biệt, khu vực đất gần lán trại, nhà thầu hút lượng lớn cát vàng lên trữ với khối lượng lớn.
Cách công trường tầm 100m, nhà thầu lập bãi đúc dầm supperT. Tại đây, ngoài số ít dầm được đúc xong thì có 3 nhân công đang rọ sắt.
Người dân xã Bình Dương cho biết, từ nhiều năm qua, dự án này "dẫm chân tại chỗ". Đến cuối năm 2023 nhà thầu đưa máy móc, thiết bị đến thi công, họ đắp đường công vụ cắt ngang sông Trà Bồng, xe cộ chạy liên tục. Nhưng sau Tết thì không ai đoái hoài gì đến, công nhân rút đi hết, trên công trường chỉ có bóng dáng nhân viên bảo vệ trông coi.
"Cách đây vài ngày, nhà thầu đưa nhân công quay lại công trường làm việc, họ chở sắt và các thiết bị khác đến. Nhưng thấy cũng lác đác vài người chứ không như công trường trong giai đoạn nước rút phải tranh thủ thi công để về đích", ông T. một người dân địa phương cho hay.
Còn tại đập Bình Nguyên, nhà thầu đã thi công cơ bản hoàn thiện thân đập, các hạng mục liên quan khác. Theo báo cáo, hạng mục này thi công đạt khoảng 95% khối lượng. Tuy nhiên, cũng như đập Bình Phước, tại đây cũng lác đác vài nhân công làm những phần việc phụ.
Được biết, mục tiêu của dự án nhằm ngăn mặn cho khoảng 1.400ha đất canh tác; giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước ngọt khoảng 100.000 m3/ngày đêm cho các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất; bổ sung nguồn nước ngọt (bao gồm cả nước ngầm) phục vụ sinh hoạt cho khoảng 35.000 dân; phát triển giao thông và cải thiện môi trường vùng dự án.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2020. Song, do công trình nhiều lần trễ tiến độ nên UBND tỉnh Quảng Ngãi buộc phải điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành. Gần nhất là cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành vào tháng 12/2024. Song nghịch lý là dù thời tiết nắng ráo nhưng công trường lại vắng vẻ đến lạ, trong khi khối lượng thi công mới đạt trên dưới 50%.
Nỗ lực hoàn thành đưa dự án vào khai thác trong năm 2024?
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước trước đây do Ban Quản lý dự án nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án trong thời gian dài lâm vào "bế tắc" vì nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác tổ chức thi công cầm chừng, liên tục thay đổi thiết kế và vị trí xây dựng và điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành.
Từ đó, tỉnh Quảng Ngãi "đổi chủ" sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi quản lý. Tuy nhiên, vào năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thực tế dự án này và chỉ ra hàng loạt bất cập như tiến độ chậm trễ, thiết kế cầu giao thông kết hợp thân đập tại hạng mục đập Bình Nguyên là "dư thừa" vì cách đó khoảng 200m đã có một công trình cầu vừa được đầu tư…
Qua nhiều điều chỉnh, dự án tái khởi động trở lại, song qua gần 3 năm, tiến độ dự án thay đổi không nhiều so với năm 2021. Nhà thầu chưa tập trung thi công, đẩy tiến độ.
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng cho biết, tiến độ hạng mục đập Bình Nguyên đạt khoảng 95%, và các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trong thời gian tới để tổ chức nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng 5/2024.
Riêng hạng mục đập Bình Phước, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các hạng mục thi công dưới nước trước tháng 9/2024 để đảm bảo điểm dừng kỹ thuật và vượt lũ trước mùa mưa năm nay. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành công trình trong năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận