Chiều ngày 20/10, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Nguyên xác nhận, sóng lớn từ biển liên tục từ hai ngày qua dội vào bờ biển ở thôn Châu Me khiến sạt lở nghiêm trọng xảy ra, đe dọa an toàn, tính mạng và tài sản của hàng trăm người dân sống dọc theo bờ biển.
Sóng biển bất ngờ nổi lên trong đêm ngày 19 và sáng ngày 20/10 đã gây xói lở nghiêm trọng khu vực bờ biển qua thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Theo đó, từ chiều tối 19/10 đến rạng sáng ngày 20/10, do thủy triều dâng cao kết hợp với ảnh hưởng của bão số 6 đã gây sóng to, gió lớn khu vực ven biển qua địa bàn xã. Trong đó, sóng lớn đã gây ra tình trạng xâm thực nặng vào vườn nhà dân ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me hàng trăm mét tính từ mép biển, cuốn trôi nhiều thửa đất canh tác của người dân ra khơi xa.
Trước tình trạng sóng to, gió lớn liên tục uy hiếp vào bờ biển cuốn trôi đất đai, tài sản trên đất khiến người dân địa phương hoang mang. Nhiều người dân cho biết, khu vực biển Châu Tân từ trước đến nay rất bình yên vì nằm trong vùng eo biển được cản gió bởi những doi đá nhô ra biển ở xóm Gành Cả và vịnh Dung Quất nên hiếm khi xảy ra tình trạng biển xâm thực nặng vào đất liền như hiện nay.
Một đoạn bờ đá cuội kiên cố được xem là "đê chắn sóng" cũng không trụ được trước những con sóng cao ập ầm ầm vào bờ.
Ông Lê Hùng Cường, nhà sát mép biển cho biết, từ sau 20h ngày 19/10, sóng biển nổi lên từng đợt, những con sóng bạc từ ngoài xa nối đuôi nhau dội vào đất liền cao từ 3-5m. Ban đầu là cuốn cây cối, sau đó là tấn công vào từng vạt đất, cuốn trôi những “đoạn đê” bằng đá cuội ra ngoài biển. Càng về khuya sóng càng lớn và “liếm” dần vào các tuyến đường dân sinh. Bà con ở đây đêm qua không ai dám ngủ, cả xóm thức đề phòng còn tháo chạy trong đêm. May mà đến đầu giờ sáng sóng biển dịu dần lại.
“Hồi trước đây biển cũng có xâm thực và cuốn trôi đất đai ra biển, song đó là vào những đợt ở địa phương có bão và áp thấp nhiệt đới kéo dài, có mưa lớn kèm theo nên mới xảy ra nạn xâm thực. Còn lại rất hiếm khi xảy ra, nhất là vào các thời điểm trời quang mây tạnh.
Để ngăn chặn triều cường, chống xâm thực và bảo vệ nhà cửa, tính mạng của nhân dân, đề nghị chính quyền sớm có giải pháp gia cố, chằng chống, xây dựng kè kiên cố. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng và giữ đất đai, vườn tược phát triển kinh tế ổn định”, ông Cường kiến nghị.
Nạn triều cường và sóng biển xâm thực đe dọa trực tiếp đến tài sản, vườn tược của người dân khu vực ven biển thôn Châu Me, xã Bình Châu.
Ghi nhận hiện trường cho thấy, sóng biển xô mạnh vào đất liền cuốn trôi nhiều vạt đất, liếm sát nhà dân và tạo ra những “hàm ếch”. Dọc theo đoạn bờ biển dài 400m là những đoạn đường dân sinh bị sóng biển “băm nát” với chiều dài từ 10-30m mỗi tuyến. Những ụ đất và đá cuội khá chắc chắn cũng bị sóng biển đánh tan tành.
Chủ tịch UBND xã Bình Châu Lê Văn Nguyên cho biết, sau khi sự cố xảy ra, địa phương đã tổ chức kiểm tra thực địa và có báo cáo lên cấp trên. Đồng thời, xã cũng động viên bà con nhân dân địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cao bị sóng biển xâm thực chủ động phòng chống và có biện pháp di dời khi biển nổi sóng lớn để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng.
Người dân xã Bình Châu lo sợ những con sóng mới sẽ áp sát mép nhà dân và cuốn đi tất cả nếu không có giải pháp bảo vệ ngăn sóng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, đã tiếp nhận báo cáo và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra thực tế để có đánh giá một cách tổng thể và đề ra giải pháp ngăn chặn nạn xâm thực một cách hiệu quả.
“Trước mắt địa phương sẽ tham vấn các cơ quan dự báo thời tiết để có cảnh báo sớm giúp người dân gia cố vườn tược và có giải pháp di dời khi biển nổi sóng. Còn về lâu dài phải xây dựng tuyến đê kè chắn sóng, nhưng để làm được cần nguồn vốn lớn và vượt quá tầm của huyện. Do đó, địa phương sẽ có báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư để bảo vệ người dân, chống triều cường xâm thực”, ông Hiền thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận