Lo thiếu cát thi công các dự án trọng điểm
Tỉnh Quảng Ngãi đang trong giai đoạn chỉ đạo các nhà thầu cấp tốc triển khai thi công các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa lớn để sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quan trọng là hoàn thành việc giải ngân 100% vốn giao năm 2023.
Dù có trữ lượng cát lên đến hàng chục triệu m3, song hiện giờ Quảng Ngãi chỉ còn 3 mỏ cát hoạt động với trữ lượng hạn chế nên nguồn vật liệu này đang khan hiếm.
Tuy nhiên, trên công trường các dự án, bên cạnh nỗi lo thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, các nhà thầu còn lo ngại nguồn vật liệu thi công, nhất là cát phục vụ san lấp, xây dựng. Nhiều DN cho biết, nhu cầu cát hiện tại rất lớn, nhưng nguồn cung dần cạn.
Đây là điểm bất hợp lý trong quản trị nguồn VLXD, nhất là cát. Bởi lẽ, Quảng Ngãi là một trong số ít các địa phương trong cả nước đang có nguồn tài nguyên cát thuộc dạng dồi dào nhất với trữ lượng lên đến hàng chục triệu m3. Riêng sông Trà Khúc từ cửa biển Cửa Đại đến Thạch Nham trữ lượng dự báo khoảng 60 triệu m3. Đồng thời, chất lượng cát trên các sông ở Quảng Ngãi luôn đứng hàng “tóp”.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh này đã đưa ra bán đấu giá thành công hàng loạt mỏ cát với trữ lượng lên đến khoảng 4 triệu m3 trên lưu vực các sông Trà Khúc, sông Vệ. Thế nên việc các nhà thầu, chủ đầu tư lo ngại chuyện thiếu cát phải chăng là bất hợp lý?
Ông P., chủ một doanh nghiệp xây dựng tham gia thi công nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản cho biết, hiện tại để có cát phục vụ đổ dầm, đắp nền đường lớp trên, đổ móng trụ… doanh nghiệp phải liên hệ nhiều nơi và chủ yếu mua cát các chủ mỏ khai thác trữ từ trước. Tình hình hiện tại đang rất lo ngại.
“Hiện tại giá cát đội lên cao hơn rất nhiều so với giá cách đây vài tháng. Trong khi dự toán lập từ nhiều năm trước nên nhiều khoản lỗ hiện ra trước mắt. Nguồn cát khan hiếm, dù lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải “cười” khi mua hàng dù có nơi giá cát tại bãi đã vọt lên hơn 200 nghìn đồng/m3”, ông P. thở dài.
Không riêng gì các nhà thầu mà các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng tỏ ra lo lắng về nguồn cung VLXD, nhất là cát. Theo đó, nỗi lo lớn nhất hiện tại là tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức bán đấu giá các mỏ cát cho DN với giá cao. Khi tiến hành khai thác, chủ mỏ sẽ bán với mức giá cao hơn giá đấu trúng để có lời. Khi đó, việc lập dự toán chi tiết đối với nguồn vật liệu cát sẽ tính toán ra sao.
Mỏ cát thương mại duy nhất trên sông Trà Khúc hoạt động từ nhiều năm trước cũng vừa "đóng cửa mỏ" vào đầu tháng 3/2023.
Bởi nếu đưa vào dự toán xấp xỉ giá bán chủ mỏ thì vi phạm quy định về thông báo giá do Sở Xây dựng công bố. Còn lập dự toán đúng quy định thì nhà thầu sẽ… lỗ.
Thêm nữa, hiện tại các mỏ cát mà tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bán đấu giá thành công mới chỉ ở bước tổ chức đấu giá, còn việc thăm dò, đánh giá lại trữ lượng và thực hiện các thủ tục cần thiết để ra giấy phép khai thác đến giờ vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thiện.
Mỏ cát duy nhất hoạt động trên sông Trà Khúc tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng cùng vừa đóng cửa mỏ, hoàn tất việc khai thác vào đầu tháng 3 vừa qua.
Cần tính toán hợp lý bài toán nguồn cát phục vụ các dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn 3 mỏ cát đang hoạt động là mỏ cát Đức Hiệp trên sông Vệ thuộc xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, mỏ cát thượng nguồn sông Trà Bồng thuộc xã Trà Bình và thị trấn Trà Xuân. Ngoài ra, còn một số điểm khai thác cát bồi tụ lòng hồ thủy điện ở các huyện miền núi để phục vụ tại chỗ.
Theo một cán bộ tham gia duyệt hồ sơ các công trình dự án tại Quảng Ngãi, ngoài nhu cầu của người dân thì với hàng trăm công trình và dự án lớn, nhỏ đang và sắp triển khai trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi, cần 1 số lượng cát lên đến hàng triệu m3 để phục vụ thi công. Trong đó, nổi lên là dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, dự án sắp triển khai đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi…
Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng, việc tỉnh tổ chức bán đấu giá nhiều mỏ cát với giá cao là điều rất đáng mừng. Song, khi đã bán đấu giá thì chắc chắn giá cát mà DN trúng đấu giá bán ra sẽ cao theo cung cầu của quy luật thị trường.
“Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn khi làm việc với các sở, nhất là Sở TN&MT khi đã làm theo giá thị trường thì quá trình tham mưu tỉnh tổ chức bán đấu giá cát, phải chọn đấu giá từ 2-3 mỏ trong một khu vực để các DN chủ mỏ tự động cân đối giá, điều chỉnh giá cho phù hợp”, ông Hoàng nói.
Để đảm bảo nguồn cung VLXD, nhất là cát phục vụ các dự án đầu tư công, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan tham mưu cần tính toán lại để tránh bị động nguồn vật liệu thi công các dự án đầu tư công.
Cũng theo ông Hoàng, liên quan đến các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách, đây là vấn đề cần lưu ý, bởi lẽ khi lập dự toán đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách chúng ta thường đưa giá cát với giá dự toán thấp cho phù hợp với quy định, nhưng khi đó nhà thầu trúng thầu đi mua cát bên ngoài sẽ phải mua với giá cao. Như vậy sẽ rất khó cho nhà thầu thi công các dự án.
Còn theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, việc đấu giá mỏ cát tạo nguồn thu cho ngân sách là rất quan trọng, song cũng phải cân nhắc, hạn chế, vì nếu tổ chức bán đấu giá hết với giá cao rồi sau đó nhà nước bỏ tiền ra mua để thực hiện các dự án thì sẽ tạo áp lực lớn cho ngân sách và cho các chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, trước mắt các cơ quan tham mưa cần định hướng trong vai trò của cơ quan quản lý về nguồn VLXD. Chúng ta vẫn tổ chức bán đấu giá để tạo nguồn thu, nhưng đối với các dự án đầu tư công đã có trong kế hoạch, cần phải dự kiến những mỏ cung cấp cho dự án.
“Tài nguyên của nhà nước, nhà nước đi đấu giá thấp nhưng sau này DN bán lại cho nhà nước với giá cao là không được. Đơn cử như đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sắp triển khai cần một lượng cát và đất đắp rất lớn, do đó cần tính toán để các dự án sử dụng vốn ngân sách không bị động về nguồn cát”, ông Minh lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận