Tạo bước ngoặt trong phát triển công nghiệp, đô thị
Theo báo cáo của Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có quy mô nền đường 46m, mặt đường 16m, dải phân cách giữa 18m, vỉa hè 12m.
Dự án có điểm đầu tại đường Thanh Niên ở KKT Dung Quất chạy dọc về phía nam kết nối với TP Quảng Ngãi. (Trong ảnh: Nút giao đường Thanh Niên với đường Dốc Sỏi - Dung Quất)
Dự án có điểm đầu tại Km 0, kết nối với đường Dốc Sỏi - Dung Quất tại nút giao với đường Thanh Niên, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tại Km 28+188, kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, thuộc địa phận TP Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2022-2027.
Công trình đi qua 11 xã và thị trấn của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi với. Dự án có tổng diện tích chiếm đất trên 173ha.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tư dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi sẽ tạo ra quỹ đất lớn để phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và nâng tầm khu vực phía Đông Bắc của tỉnh với quỹ đất dồi dào, song lâu nay chủ yếu phát triển kinh tế nông lâm nghiệp hiệu quả không cao. Đồng thời, tuyến đường hình thành sẽ tăng tính kết nối về hạ tầng giữa các địa phương trong khu vực để tạo liên kết vùng tăng tốc phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, mục tiêu đặt ra cho dự án này là khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng, tạo ra hạ tầng giao thông mới chạy song song với QL1 về phía đông để chia sẻ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên QL1 đã trở nên quá tải.
“Việc triển khai dự án là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn này. Do đó, dự án phải thực hiện ngay trong giai đoạn 2023-2025. Các chủ thể có liên quan phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất để đến tháng 12/2023 khởi công dự án và chậm nhất đến 30/9/2025 hoàn thành đưa công trình vào khai thác.
Đây là công trình rất quan trọng không chỉ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh mà còn là công trình động lực và là hình mẫu của việc đầu tư dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh với tiến độ nhanh nhất, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật công trình cao nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng dự án được đầu tư hoàn thành sẽ mở ra bước ngoặt trong phát triển KT-XH rất lớn cho địa phương
Ông Minh lưu ý chủ đầu tư, các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án để tiến hành tổ chức lễ khởi công công trình vào tháng 12/2023. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch thực hiện theo các mốc thời gian hết sức khoa học, cụ thể có tính khả thi cao. Nghiêm cấm tuyệt đối chuyện “dễ làm khó để lại, đến đâu hay đến đó”.
Khẩn trương tìm nguồn vật liệu phục vụ dự án
Theo tính toán của Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, để thực hiện dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, dự kiến sẽ có 318 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời, tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng để phục vụ công tác tổ chức thi công.
Để đảm bảo tiến độ dự án như chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 10 khu tái định cư, với 652 lô đất để tái định cho người dân.
Ngoài ra, qua công tác kiểm kê, trên toàn tuyến phải di dời gần 2.500 ngôi mộ, nên việc lập quy hoạch, xây dựng khu cải táng mồ mả tập trung cũng cần thực hiện song song.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện đơn vị đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án gồm 21 gói thầu. Sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt, sẽ triển khai ngay công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công; lập phương án kỹ thuật đo đạc, lập bản đồ địa chính và triển khai công tác đo vẽ bản đồ.
“Khi các nội dung trên hoàn thiện và UBND tỉnh cho chủ trương, đơn vị sẽ tiến hành khởi công và tổ chức thi công dự án. Đây là công trình giao thông lớn, địa hình thi công một số đoạn, điểm qua khu vực đồi núi phức tạp và thời gian thi công ngắn nên từ chủ đầu tư đến nhà thầu và các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực hết mình mới có thể đảm bảo đưa công trình vào sử dụng như chỉ đạo của UBND tỉnh”, đại diện chủ đầu tư cho hay.
Dự án cần hàng triệu m3 đất, cát để phục vụ thi công nên việc khẩn trương tìm nguồn vật liệu là yêu cầu cấp thiết để tránh bị động, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án
Bên cạnh đó, nỗi lo lớn nhất của dự án là nguồn vật liệu thi công, bởi theo tính toán, công trình có tổng nhu cầu đất đắp gần 5,1 triệu m3. Cụ thể, tuyến chính cần hơn 4,2 triệu m3, các khu tái định cư, điểm cải táng mồ mả hơn 800.000m3.
Điểm thuận lợi của dự án là cho phép thực hiện việc điều phối nội bộ với tổng khối lượng gần 1,9 triệu m3. Vì vậy, tổng lượng đất đắp mà dự án phải lấy từ các mỏ đất hơn 3 triệu m3.
Được biết, dọc theo tuyến chính hiện có 10 mỏ đang trong thời gian khai thác, với tổng khối lượng còn lại hơn 1,35 triệu m3. Như vậy, nhu cầu cần bổ sung để thực hiện dự án khoảng hơn 1,8 triệu m3.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, để đảm bảo nguồn vật liệu thi công, đơn vị đã chủ động khảo sát và nhận thấy có 6 vị trí mỏ đất với tổng trữ lượng dự kiến gần 3,6 triệu m3. Từ đó, đơn vị sẽ đề xuất đưa vào quy hoạch khai thác trong thời gian tới để phục vụ thi công công trình nhằm hạn chế tối đa việc bị động nguồn vật liệu.
Riêng đối với cát xây dựng, dự án cần hơn 460.000m3.
Đại diện Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, nhu cầu về vật liệu đắp nền và cát xây dựng của dự án là rất lớn, do vậy, đề nghị UBND tỉnh cần sớm bổ sung các mỏ cung cấp để đảm bảo nguồn cung phục vụ triển khai dự án. Tránh bị động, thiếu hụt làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận