Mặc dù khu vực hồ Yên Trung là đất rừng sản xuất nhưng UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) lại cấp phép và “dung dưỡng” cho các hộ gia đình lập kiot, xây dựng các công trình kiên cố để kinh doanh, gây nguy cơ cháy rừng, phá vỡ cảnh quan sinh thái.
Khi rừng bị thương mại hoá
Ngày 6/9, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực hồ Yên Trung (phường Phương Đông, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) - nơi được coi là “Một Đà Lạt thu nhỏ”, là điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.
Hồ Yên Trung rộng hơn 7ha, được bao quanh bởi hàng trăm ha đất rừng trồng thông, vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng. Tuy nhiên, giờ đây, vẻ đẹp sinh thái ấy phần nào bị phá vỡ bởi khu vực quanh hồ, nhan nhản những ki ốt, cửa hàng kinh doanh tự phát được chính quyền địa phương chấp thuận và quản lý. Điển hình, ngay sát cầu tràn số 2 có khoảng 7 hàng quán, chòi lá đã được bê tông hóa mặt nền để phục vụ kinh doanh ăn uống, giải khát. Hoạt động nấu ăn, chủ yếu là nướng gà diễn ra thường xuyên ngay dưới tán lá rừng thông gây nguy cơ cháy rừng. Các lán, lều được dựng ngay sát mép hồ nên nhiều du khách tiện chân xuống bơi lội, mặc cho biển cấm tắm được cắm khắp nơi.
Trong khu vực hồ Yên Trung còn có ít nhất 2 công trình xây dựng kiên cố không phép tồn tại nhiều năm qua để kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, là nhà hàng Yến Lâm, quán dừng chân Singapore.
Năm 2018, UBND Tp. Uông Bí đã giao Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử quản lý khu vực hồ và cảnh quan xung quanh hồ, cải tạo chỉnh trang trồng hoa, cây xanh ven bờ hồ Yên Trung, xây dựng khu vực tiểu cảnh như: Vườn Địa Đàng, Cầu Tình Yêu, Lầu Vọng Nguyệt và cụm tên địa danh Hồ Yên Trung… Tại đây, cũng là điểm tập kết của 5 chiếc thuyền Kayak, 3 chiếc xuồng máy, 1 chiếc mô tô nước.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chiếc mô tô nước là của một lãnh đạo UBND. Tp. Uông Bí. Theo kết quả kiểm tra của đoàn công tác UBND phường Phương Đông vào ngày 4/9, 5 chiếc thuyền Kayak thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Yên Trung đã được Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Quảng Ninh cấp phép hoạt động có đầy đủ nội quy và vé bán theo đúng quy định; 3 chiếc xuồng máy trên hồ Yên Trung chỉ có một chiếc còn hoạt động, còn lại dùng để tạo cảnh quan cho hồ sinh động và nguồn gốc của những chiếc xuồng này do Ban Chỉ huy quân sự TP. Uông Bí cho mượn. Riêng chiếc mô tô nước không được liệt kê vào biên bản.
“Dung dưỡng” để chờ dự án?
Ông Mai Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Phương Đông, Tp. Uông Bí xác nhận, hiện khu vực hồ Yên Trung có một số hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát và đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chủ trương của Tp. Uông Bí là cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn nhanh, tức là mang đồ ăn từ nơi khác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến cho du khách. Nghiêm cấm việc nướng gà, tổ chức nấu ăn rầm rộ ở đây. Quy định là như vậy, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, các hộ dân vẫn cố tình vi phạm.
Về việc bê tông hóa nền chòi, ông Dự cho biết, chủ trương của thành phố muốn xóa bỏ các nhà bạt phản cảm, gây mất mỹ quan nên cho phép các hộ dân lập chòi lá cọ, nền dưới bê tông kết cấu tạm. Các hộ dân cũng đã ký cam kết kinh doanh tạm trong thời gian chưa thực hiện dự án, khi có dự án triển khai thì các hộ phải tự tháo dỡ các công trình kinh doanh tạm, khôi phục mặt bằng và không yêu cầu bồi thường, hỗ trợ các chi phí đã đầu tư xây dựng.
“Tại khu vực chòi chủ yếu là đất rừng sản xuất của ông Hùng (hộ dân). Ngoài việc tự kinh doanh, ông này còn cho 5 -6 hộ khác thuê để kinh doanh ăn uống, giải khát. Riêng quán ăn Yến Lâm và điểm dừng chân Singapore cũng nằm trên đất rừng sản xuất nhưng đã tồn tại từ những năm 2000. Thời điểm này có nhà đầu tư vào lập dự án du lịch có dựng lên các nhà gỗ, trong đó có 2 hộ gia đình trên nhưng do dự án bỏ dở nên đây là sự tồn tại của quá khứ. Sau này, nếu có dự án và chính thức thu hồi đất thì chính quyền sẽ có một hội đồng đánh giá rõ ràng để xử lý dứt điểm”, ông Dự nói.
Lời vị Chủ tịch phường nói là vậy nhưng trong thông báo về việc tăng cường công tác quản lý tại khu vực hồ Yên Trung của UBND phường Phương Đông lại nêu rõ: “Đối với hộ có đất rừng trồng cây thông nhựa và hộ kinh doanh dịch vụ khu vực hồ, nghiêm cấm tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, cho thuê, cho mượn nhằm mục đích kinh doanh, bán hàng hoặc dịch vụ khác làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn”.
Để giữ gìn hệ du lịch sinh thái ở khu vực hồ Yên Trung, UBND Tp. Uông Bí tiếp tục yêu cầu UBND phường Phương Đông kiểm soát tốt hoạt động xây dựng, kinh doanh tại khu vực hồ. Kiểm tra, xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm, không đúng phương án bố trí mặt bằng kinh doanh tạm của thành phố. Bố trí, đảm bảo lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phát sinh và phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra thêm các trường hợp vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận