Bất chấp lệnh cấm, nhiều phương tiện thủy vẫn neo đậu ở vùng đệm vịnh Hạ Long
Hàng ngàn chủ tàu, thuyền ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang đứng ngồi không yên khi chính quyền địa phương cấm phương tiện thủy neo đậu ở khu vực vùng đệm vịnh Hạ Long.
Tàu thuyền khó vào điểm neo đậu hợp pháp
Theo quyết định của UBND TP Hạ Long, từ 4/3/2021, cấm các phương tiện thủy neo đậu tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long. Đây là khu vực tiếp giáp luồng ĐTNĐ Bài Thơ - Đầu Mối, thuộc địa giới các phường Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà.
Địa điểm các phương tiện có thể neo đậu hợp pháp là khu vực cảng Cái Xà Cong ở phường Hà Phòng và cảng cá Sa Tô tại phường Cao Xanh. Thế nhưng, 2 khu vực này đều khó đảm bảo an toàn và gây nhiều khó khăn cho ngư dân khi đưa phương tiện vào neo đậu.
Cảng cá Sa Tô nằm sâu trong vịnh Cửa Lục và là hạ lưu các con sông: Lưỡng Kỳ, Diễn Vọng, Vũ Oai, Đá Trắng, sông Trới và sông Mằn từ núi cao Hoành Bồ đổ về.
Khi thuỷ triều xuống, nước từ các dòng sông đổ xuống khiến cho luồng vào rất xiết, các phương tiện nhỏ, nhất là thuyền câu rất khó di chuyển ngược lên. Lúc triều cường, luồng qua Cửa Lục cũng vô vàn khó khăn do gặp sóng to, nước xoáy...
Ông Trịnh Văn Đông (khu 2, phường Hồng Hà) cho hay: “Nhà tôi ở tận khu vực Cột 5, nếu mang thuyền vào bến Sa Tô neo đậu thì quá xa, trong khi khu vực này luồng rất khó vào. Đặc biệt, nếu gặp “cơn Tây” lúc triều cường thì rất nguy hiểm”.
Đối với cảng Cái Xà Cong, việc đưa phương tiện vào neo đậu càng khó khăn hơn. Đứng trên bờ chỉ những chiếc tàu, thuyền mắc kẹt trên những doi cát trong ngày nước cạn, anh Phạm Văn Thành, chủ tàu khai thác thuỷ sản trên vịnh Hạ Long đau đáu: “Vào những ngày nước cạn, khu vực này hầu như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì luồng vào vừa hẹp lại bị bồi lắng. Không những thế, hệ thống biển báo, phao luồng hầu như không có nên không ít lần tàu thuyền đâm va vào đá ngầm gãy chân vịt, bục đáy... Còn phương tiện có công suất lớn thì không bao giờ vào được do ở khu vực cửa vào có rạn san hô nhô lên rất cao...”.
Muôn kiểu đối phó
Luồng vào nước xiết lại quá xa nên rất ít phương tiện thuỷ vào neo đậu tại cảng Sa Tô
Từ ngày TP Hạ Long ban hành quy định mới, có ngư dân để phương tiện neo đậu vật vờ ở những đảo nhỏ phía xa, người thì lợi dụng đêm tối đưa phương tiện vào khu vực cấm neo đậu rồi cử người canh chừng lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều chủ phương tiện không muốn đi xa đã neo đậu vào vùng nước do đơn vị hải quân quản lý.
Chị Nguyễn Thị Bích (nhà ở khu 2, phường Hồng Hà) than thở: “Gia đình chúng tôi có nhiều năm dùng thuyền máy loại nhỏ chở người ra các đảo đá ven vịnh Hạ Long để khai thác hà, ốc… Trước đây, chúng tôi thường neo đậu thuyền tại khu vực bến cá Cột 5 cũ. Từ ngày bị cấm đến nay, bà con không biết để phương tiện chỗ nào”.
Được biết, việc cấm neo đậu tàu thuyền ven bờ vịnh Hạ Long là giải pháp nhằm bảo vệ môi trường khu vực vùng ven biển, đặc biệt khi tháng 4 tới, TP Hạ Long đưa bãi tắm Hòn Gai vào hoạt động.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó nhà thầu đã thực hiện đổ 150.000m3 cát trắng cho chiều dài toàn bãi. Trong khi đó, các phương tiện thuỷ neo đậu quanh đây có thể phát sinh rác thải sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường.
Cảng Cái Xà Cong - nơi ngư dân có thể neo đậu tàu thuyền cạn trơ đáy ngày thuỷ triều xuống
Chị Phạm Thị Thuỷ (cũng ở khu 2, phường Hồng Hà) làm nghề nuôi trồng, thu mua thuỷ sản ở vịnh Hạ Long chia sẻ: “Không ít gia đình ngư dân lấy thuyền làm nhà, ăn ở, sinh hoạt trên thuyền nên rác thải, chất thải đổ xuống biển, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, người dân đồng tình với việc cấm phương tiện thuỷ neo đậu trên luồng này nhưng chính quyền cũng phải bố trí nơi neo đậu thuận tiện, an toàn hơn”.
Còn chị Mai Thị Mến, chủ một tàu thuỷ sản đang neo đậu ở cảng cá Sa Tô đề xuất: “Nếu muốn không ô nhiễm, có thể siết chặt các quy định về môi trường, quy định sinh hoạt trên vịnh. Còn cấm như thế này sẽ nảy sinh hệ luỵ khác, bởi khu vực này là hạ lưu của 6 con sông đổ ra giữa vịnh Hạ Long. Mọi thứ rác sinh hoạt trên tàu, thuyền đều trút xuống sông như hiện nay thì việc phát tán nguồn ô nhiễm cho vịnh càng nhiều hơn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý Đô thị TP Hạ Long thừa nhận, việc cấm phương tiện thuỷ neo đậu ở vùng đệm vịnh Hạ Long hiện đang gây khó khăn cho ngư dân. Cơ quan chức năng của thành phố đang phối hợp để tìm khu vực neo đậu thuận lợi hơn cho bà con. Nhưng hiện cũng chưa tìm được khu vực nào phù hợp...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận