Luồng cạn, tàu thuyền loay hoay ra, vào bến mới
Ngày 21/3, từ thông tin của một số chủ phương tiện, PV có mặt ở cảng Hoàng Gia và ghi nhận tình trạng tàu, thuyền đưa đón công nhân làm việc trên biển trở về, tàu chở khách đưa người dân, phật tử đi lễ chùa ở ngoài đảo… đều rất khó khăn khi tìm đường vào cảng.
Chiếc tàu chở khách do không thạo luồng mới vào cảng Hoàng Gia đã bị va chạm vào các ụ bê tông chìm sâu dưới mặt nước khiến chân vịt kêu răng rắc.
Trong khi đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng hoạt động bến thủy nội địa Vũng Đục, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) - nơi neo đậu quen thuộc của nhiều phương tiện thời gian qua.
Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại du lịch Hoàng Gia Quảng Ninh - chủ cảng Hoàng Gia cho biết: Lẽ thường, tàu thuyền vào bến thì doanh nghiệp vui vì có thêm nguồn thu phí dịch vụ. Thế nhưng chúng tôi đang rất lo lắng. Bởi lẽ, mặt cảng của doanh nghiệp rất hẹp, những hôm triều cạn phương tiện không vào được.
"Bản thân tàu của doanh nghiệp những ngày triều kiệt cũng phải sang cặp vào bến thủy nội địa Vũng Đục cách đó hơn trăm mét để đưa, đón khách và neo đậu. Cứ tình trạng này, vào mùa du lịch, doanh nghiệp không biết đón, trả khách du lịch thế nào", bà Thuý nói.
Theo bà Thuý, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương cho tiếp nhận bến thủy nội địa Vũng Đục để nâng cấp, kiến nghị cho tiến hành nạo vét luồng vào cảng Hoàng Gia để đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhưng do nhiều vướng mắc, nên những kiến nghị này chưa thực hiện được.
Chung tâm trạng, ông Vũ Đăng Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Linh Vũ cho biết: Doanh nghiệp có hơn chục tàu vận tải chuyên chở công nhân, kỹ sư và chuyên gia đến cảng Con Ong, Hòn Nét để làm việc. Từ trước đến nay, phương tiện của đơn vị đều cặp vào bến thủy nội địa Vũng Đục do luồng vào đảm bảo.
"Ở luồng vào cảng Hoàng Gia gặp hôm thủy triều xuống sẽ bị cạn và như vậy sẽ lỡ ca, kíp của công nhân, chuyên gia thì sẽ rất khó. Cùng với đó, nếu phải chuyển tải bằng đò ra tàu đón ở xa, nếu vào ngày dông, bão sẽ mất an toàn lại không thể làm thủ tục xuất bến theo quy định và sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt", ông Hùng giải thích.
Theo ông Hùng, ở khu vực này có khoảng gần 200 tàu, thuyền các loại thường xuyên ra, vào bến Vũng Đục, chỉ tính riêng tàu của công ty mỗi tháng đã đưa, đón khoảng gần 2.000 khách.
"Vì vậy, chúng rất mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu, cho mở lại bến thủy Vũng Đuc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông", ông Hùng kiến nghị.
Cần sớm quy hoạch bến thủy nội địa
Ông Vũ Đình Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả cho biết: Bến thủy nội địa Vũng Đục do không nằm trong quy hoạch, nên được Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh cấp phép gia hạn hoạt động 1 năm, từ ngày 27/3/2023 đến 21/3/2024.
Do hết thời gian gia hạn, UBND TP Cẩm Phả đã có quyết định dừng hoạt động bến Vũng Đục và yêu cầu các chủ phương tiện vào hoạt động tại bến Hoàng Gia ở khu vực liền kề.
Một chiếc tàu khách bị mắc cạn khi vào bến Hoàng Gia, phải thuê tàu nhỏ lai dắt ra khơi.
"Hiện theo quyết định thì bến Vũng Đục được UBND thành phố giao cho Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường quản lý để phục vụ công quản lý nhà nước trên tuyến biển và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn", ông Nhân thông tin.
Theo ông Nhân, hiện nay, địa bàn TP Cẩm Phả có gần 70km đường bờ biển với lượng phương tiện thủy hoạt động rất đông, nhưng địa phương lại chưa có bến thủy nội địa.
Trong khi đó, dù không nằm trong quy hoạch, nhưng bến Vũng Đục đã tồn tại từ nhiều năm. Nơi đây là vị trí neo đậu, đón, trả khách của một số phương tiện vận tải ra xã đảo ở huyện Vân Đồn, góp phần phát triển dịch vụ, thương mại cho địa phương…
"Đúng là luồng vào cảng Hoàng Gia bị cạn khi thủy triều xuống, gây khó khăn cho phương tiện vào, ra. Địa phương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền giao cảng Vũng Đục cho Công ty Hoàng Gia Quảng Ninh quản lý, tiếp tục cho tàu thuyền neo đậu", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, cảng Vũng Đục trước đây thuộc đơn vị ngành than, sau này mới bàn giao về cho địa phương quản lý. Tài sản công tại cảng này hầu như không có gì, nên không vướng mắc lớn về giải quyết tài sản công khi chuyển sang doanh nghiệp quản lý.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Kinh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Bến thủy nội địa Vũng Đục trước đây là do Sở cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, mới đây, Sở đã có văn bản bàn giao thẩm quyền cho địa phương. Do đó, việc cấp phép hoạt động bến này như thế nào là do thẩm quyền của địa phương…
Còn một lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả cho biết, bến thủy nội địa Vũng Đục không đảm bảo an toàn, giờ chỉ thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, nếu duy trì hoạt động bến Vũng Đục thì không có lực lượng quản lý.
"Còn đối với cảng Hoàng Gia, nếu luồng vào cạn, hạ tầng hẹp thì doanh nghiệp cần nghiên cứu có biện pháp hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu", vị này cho hay.
Sẽ dẹp bỏ bến trái phép
Cũng theo kiến nghị của một số chủ phương tiện tại đây thì nằm kẹp giữa bến thủy nội địa Vũng Đục và bến Hoàng Gia là một bến trái phép của tư nhân có địa chỉ tại TP Cẩm Phả đã hoạt động từ lâu, nhưng không hiểu vì lý do gì không bị dẹp bỏ.
Điều đáng nói là chủ bến trái phép này đã đổ đất tôn tạo mặt bằng ra xa phía biển, nhưng do không được làm kiên cố, nên sóng đã đánh trôi đất, đá xuống luồng vào của bến Hoàng Gia…
Liên quan đến bến trái phép nằm giữa cảng Hoàng Gia và bến thủy nội địa Vũng Đục, ông Vũ Đình Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả cho biết, phường đang phối hợp với cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận