Xã hội

Quảng Ninh: Dân sống chông chênh bên triền sông sạt lở ngổn ngang

05/08/2022, 06:30

Hàng chục hộ dân sinh sống ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang ngày đêm lo lắng bị sập nhà xuống sông bất cứ lúc nào.

Phấp phỏng nỗi lo ngập, sập

Từ nhiều năm nay, mỗi khi mưa, lũ lớn, dòng sông Ba Chẽ dâng cao làm ngập hệ thống giao thông, ngập băng cánh đồng và nhà cửa của gần 40 hộ dân sinh sống ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, các hộ dân sinh sống ở tuyến đường Tài Chi, Thanh Niên từ trung tâm huyện Ba Chẽ về xã Đồn Đạc cho hay, do địa hình trũng thấp, dòng chảy của sông Ba Chẽ lại xói thẳng vào phía khu dân cư ven sông Ba Chẽ từ UBND huyện Ba Chẽ đến Xí nghiệp nước miền Đông (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) khiến vùng này thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng.

img

Nhiều căn nhà của người dân ở thị trấn Ba Chẽ (Quảng Ninh) bị nhấn chìm trong trận lũ lịch sử trung tuần tháng 7/2008

Đang cùng người thân nghiên cứu cắm thêm cọc tre, cọc bê tông ở khu vực sau nhà áp ra dòng sông Ba Chẽ, ông Lê Văn Chí nhà ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ ngao ngán kể: "Nhà tôi ở đây từ năm 1989. Lúc ấy, dòng sông Ba Chẽ còn cách tường nhà hơn chục mét. Vậy mà giờ đây, lũ lớn đã sạt lở đất vào sát nhà".

"Đặc biệt là trận lũ lớn năm 2008, toàn bộ khu dân cư bị ngập ngang mái nhà, giao thông qua khu vực tê liệt, cánh đồng canh tác nông nghiệp bị nhấn chìm trong biển nước gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân", ông Chí nhớ lại.

img

Dòng sông Ba Chẽ sạt lở đất áp sát vào sau nhà khiến ông Lê Văn Chí đang phải lên phương án ép thêm cọc để bảo vệ căn nhà

Theo ông Chí, hơn chục năm nay, sau mỗi trận lũ lớn, đất ở ven sông lại bị cuốn trôi thêm một ít. Hiện, nhiều nhà dân đã bị xói vào tận móng.

"Mùa mưa lũ đang hiện hữu, gia đình tôi chỉ lo căn nhà này đổ ụp xuống sông, nên đang phải tính toán ép thêm cọc để "cầm cự". Bà con nơi đây đã bao nhiêu lần kêu cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền xây dựng bờ kè, nhưng đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì", ông Chí lo lắng.

img

Nước sông Ba Chẽ trong mùa lũ dâng cao gây sạt lở đất khiến căn hộ nhà ông Chí bị xé toác

Cách nhà ông Chí vài chục mét là hộ gia đình bà Lã Thị Đang. Toàn bộ nhà cửa, khu chăn nuôi của gia đình bà Đang đều nằm chông chênh trên bờ sông.

Bà Đang lo lắng: "Năm 2008, lũ dâng cao đến mái nhà, toàn bộ tài sản bị ngâm nước hoặc cuối trôi, thiệt hại mất vài chục triệu. Hiện gia đình có bể nuôi cá, ba ba trị giá vài chục triệu đồng, chỉ lo đêm xuống, lũ đổ về thì lại mất trắng".

img

Sạt lở khiến lòng sông đã áp sát vào móng nhà của gia đình bà Đang

Nằm song song với tuyến phố Tài Chi là tuyến phố Thanh Niên cũng ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ cũng thường xuyên xảy ra ngập lụt lúc sông Ba Chẽ dâng cao.

Bà Ninh Lục, nhà ở tuyến đường trong khu dân cư chạy song song với con suối Nà Pốc chảy từ thượng nguồn xã Đồn Đạc về rồi đổ ra sông Ba Chẽ cho hay: "Vài năm gần đây, cứ mưa to là toàn bộ cầu, đường qua khu dân cư bị ngập cả mét. Đặc biệt là tuyến đường trước cửa nhà chúng tôi đã bị sạt lở nghiêm trọng. Vậy mà đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai sửa chữa, nâng cấp tuyến kè".

img

Bể nuôi cá, ba ba của gia đình bà Đang thường trực nguy cơ bị đổ ụp xuống sông nếu có lũ lớn

Tìm hiểu thêm tại một số hộ dân tại khu 1, thị trấn Ba Chẽ, PV Báo Giao thông còn ghi nhận được nhiều hộ đã bị dòng suối Nà Pốc xói vào sát nhà làm lún, nứt nhà cửa, sạt lở nhiều công trình…

Khắc khoải chờ vốn xây kè, làm cầu?

Trung bình mỗi năm, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện Ba Chẽ dao động từ 1.800-2.000mm. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự suy giảm chất lượng phòng lũ rừng đầu nguồn, tình hình lũ lụt, sạt lở đất trên lưu vực sông Ba Chẽ diễn ra phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng.

img

Bà Ninh Thị Lục chỉ vào các vết nước do lũ dâng cao trên tuyến đường trong khu dân cư trong thời gian gần đây

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Chẽ, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008-2018, mưa, lũ đã gây ra thiệt hại cho địa phương này khoảng 246 tỷ đồng.

Riêng năm 2018, mưa lũ đã khiến 317 nhà dân bị ngập, 30 ngôi nhà bị sập đổ, 9ha hoa màu của người dân bị phá huỷ, nhiều công trình thuỷ lợi, giao thông, nước sinh hoạt, cột điện bị hư hỏng.

Trong đó, thị trấn Ba Chẽ là địa bàn vùng trũng nhất, nên cũng thường xuyên xảy ra ngập, lụt và thiệt hại lớn nhất.

img

Góc nhà một hộ dân trên tuyến đường Thanh Niên bị lũ cuốn sạt

Được biết, tháng 6/2022, huyện Ba Chẽ đã trình dự án cầu nối Tỉnh lộ 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp với kè chống sạt lở tuyến đường trục chính khu dân cư thị trấn Ba Chẽ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng kinh phí của các công trình này dự kiến là 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, một số dự án, kế hoạch kè sông, đảm bảo công trình giao thông trên địa bàn thị trấn Ba Chẽ nói chung và khu 1 nói riêng, trong đó có dự án nêu trên vẫn chỉ nằm… trên giấy vì chưa bố trí được kinh phí.

img

Nỗi lo ngập nhà trong mưa lũ luôn thường trực ở khu phố 1, thị trấn Ba Chẽ

Trao đổi PV Báo Giao thông ngày 2/8, ông Nguyễn Hợp Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ đã thừa nhận trên địa bàn thị trấn có rất nhiều điểm nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, ách tắc giao thông khi có mưa lũ…
img

Tuyến giao thông trong khu dân cư ở khu 1 bị lũ làm lún, nứt nghiêm trọng

“Dù biết rằng hàng chục hộ dân sống trong cảnh hiểm nguy khi lũ lớn đổ về. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh để bố trí kinh phí làm cầu, xây kè sông, suối theo dự án đã xây dựng nhưng vẫn chưa được. Do vậy, huyện đành phải chờ, khi nào có vốn thì sẽ làm ngay", ông Toàn thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.