Đường dân sinh thành "ruộng mạ", vỉa hè, rãnh thoát nước vỡ nát
"Vật vã" điều khiển chiếc xe máy trên tuyến đường lồi lõm đầy "ổ gà", "ổ voi" qua địa bàn tổ dân cư số 3 để vào nhà văn hóa khu, bà Mai Thị Khuya, Bí thư, Trưởng khu Chạp Khê, phường Nam Khê, TP Uông Bí (Quảng Ninh) cho hay, đường sá thế này, Tết Trung thu năm nay tổ chức cho các cháu sẽ rất khó khăn.
Theo bà Khuya, con đường dân sinh qua khu Chạp Khê hư hỏng là do việc thi công đoạn kênh từ Km4+328,5 đến Km5+087,5 của dự án cấp nước hồ Yên Lập.
Tuyến đường bê tông bị cày nát dưới bánh xe chở vật liệu xây dựng
Đoạn đường bê tông qua cổng nhà văn hóa trước đây bằng phẳng. Từ ngày thi công đoạn kênh, các xe vận chuyển vật liệu thi công ra vào khiến mặt đường biến dạng, hệ thống thoát nước vỡ nát.
"Đáng nói, đơn vị thi công nhiều tháng nay không làm gì, nên hiện trạng đường vỡ nát cứ thế tồn tại. Không biết đến bao giờ dự án mới xong để chủ đầu tư và nhà thầu hoàn lại tuyến đường cho người dân", bà Khuya cho biết thêm.
>>> Clip: Cận cảnh "con đường đau khổ" do việc thi công kênh cấp nước gây ra ở phường Nam Khê, TP Uông Bí:
Tuyến đường bê tông vào nhà văn hóa khu Chạp Khê bị cày nát
Thực tế trên con đường, PV nhận thấy có rất nhiều "ổ gà", "ổ voi". Hai bên đường, hệ thống rãnh thoát nước bị bịt kín, vỉa hè vốn được lát gạch rất đẹp thì bị nát vụn dưới bánh xe máy xúc, xe tải chở vật liệu qua lại.
Ở giữa tuyến đường, một chiếc xe tải chở hàng của người dân lưu thông qua bị tụt xuống hồ khiến chủ xe và tài xế kê, kích mãi vẫn không di chuyển lên được.
Cạnh đó là hàng loạt ô tô, máy xúc, máy cẩu phục vụ thi công dự án đang nằm "án binh bất động".
Chiếc xe tại bị thụt xuống hố khiến tài xế, chủ xe loay hoay mãi vẫn chưa đưa lên được
Một tốp thợ đang ngồi hóng mát trước chiếc lán cạnh vệ đường cho PV Báo Giao thông biết: "Dự án nghỉ lâu nay, nên không có việc gì để làm".
Chậm tiến độ do thiếu mặt bằng thi công?
Dự án sửa chữa, khắc phục sự cố đoạn kênh từ Km4+328,5 đến Km5+087,5 tại phường Nam Khê của kênh N2B thuộc hệ thống kênh của hồ Yên Lập do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Rãnh thoát nước, vỉa hè của tuyến đường bị xe thi công cày biến dạng
Mục tiêu của dự án cấp nước tưới cho 345 ha đất nông nghiệp và cung cấp nước thô cho nhà máy nước Đồng Mây với nhu cầu sử dụng nước 66.000 m3/ngày đêm.
Dự án có tổng kinh phí trên 27 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 10/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian hoàn thành gần 5 tháng, công trình vẫn dang dở.
Thiết bị phục vụ thi dự án đã được tập kết nhưng tiến độ thì chậm như... rùa bò.
Ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh lý giải: Đoạn kênh này phải thi công theo kế hoạch cấp nước, cứ 7 ngày cấp nước liên tục thì có 7 ngày nghỉ. Nhà thầu chỉ có thể thi công trong 7 ngày dừng cấp nước.
Phương tiện phục vụ thi công ngổn ngang đỗ chắn toàn bộ tuyến đường khiến người dân phải đi vòng sang đường khác
Thêm vào đó, quá trình thi công ép cọc do gặp phải nền đất cứng và một số kết cấu công trình cũ, đất đá san lấp nằm sâu dưới đất trong phạm vi thi công ảnh hưởng đến việc ép cọc làm tiến độ ép cọc bị gián đoạn.
"Trước những khó khăn trên, chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh xin gia hạn dự án đến hết tháng 12/2022. Do thi công phải sử dụng xe chuyên dụng trọng tải lớn nên đã ảnh hưởng đến một số vị trí của tuyến đường. Chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí thi công hoàn trả tuyến đường này sau khi hoàn thành dự án", ông Quảng thông tin.
Việc thi công bị gián đoạn do quá trình ép cọc có thể ảnh hưởng đến công trình nằm tiếp giáp với hành lang kênh cấp nước.
Theo ông Quảng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi công chậm tiến độ như hiện nay còn do vấn đề mặt bằng.
Bởi trước đây, UBND TP Uông Bí đã cho một số tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng để xây dựng công trình trong công viên Đại học Hạ Long. Các công trình này đều nằm gần hành lang tuyến kênh, nên khi đơn vị thi công sử dụng phương tiện ép cọc, người thuê đất đã phản ứng vì sợ làm lún nứt công trình gần hành lang tuyến kênh.
Hàng loạt công trình nằm cạnh hành lang kênh dẫn nước chưa được giải quyết
Tuy nhiên, bà Khuya cho rằng, chủ đầu tư và nhà thầu phải có giải pháp xử lý nguy cơ lún nứt vị trí đó.
"Toàn tuyến còn có rất nhiều vị trí có thể thi công được, thế tại sao không thi công nữa mà để công trình dang dở đó? Lý do thiếu mặt bằng không thuyết phục, chủ đầu tư cần sớm hoàn thành công trình và hoàn trả đường cho bà con đi lại thuận tiện như trước", bà Khuya kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận