Sống chung với bụi
Thời gian gần đây, Báo Giao thông nhận được đơn kiến nghị của nhiều hộ dân tại xã Dương Huy và phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) về tình trạng bụi từ khu vực đổ thải của các mỏ phía bắc thành phố và phía đông nam phường Mông Dương đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống cho người dân.
Tại thôn Tân Tiến và Đồng Mậu (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả), PV Báo Giao thông ghi nhận khu vực bãi thải rộng hàng trăm ha của Công ty CP Than Cao Sơn, Công ty CP Than Đèo Nai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV) và của Tổng công ty Đông Bắc có những vùng không được phân tầng, không được trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường. Từ trên cao, các phương tiện vận tải vô tư xả đất, đá quăng xuống phía dưới.
Mới hơn 8h sáng, đứng ở đầu thôn Đồng Mậu nhìn lên các bãi thải khổng lồ cách đó vài trăm mét, vẫn nghe tiếng đất, đá đổ ồm ầm, bụi cuốn lên mù mịt rồi theo gió toả về những cánh rừng, trùm lên khu dân cư của xã Dương Huy.
Ông Đặng Văn Liên (trú thôn Đồng Mậu, xã Dương Huy) cầm chiếc khăn ướt lau một lượt trên chiếc bàn rồi chỉ vào những lớp bụi bám kín thành ghế, buồn rầu: “Cửa đóng, then cài từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng bụi vẫn luồn qua mái nhà, khe cửa thế này đấy. Bà con đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng này, vậy mà chưa có chuyển biến gì. Sống thế này thì sớm bệnh tật mất”.
Chị Hương, con dâu ông Liên nói thêm: “Để hạn chế bụi, chồng em phải chăng chiếc chăn rách ở chỗ nấu ăn. Thế mà, có hôm, vừa đơm được bát canh thì bụi từ đâu ập đến phủ kín một lớp”.
Bụi từ các bãi thải lộ thiên nơi đây còn tác động không nhỏ đến việc mưu sinh của người dân quanh khu vực. Như trang trại của ông Lý Sinh cách khu vực đổ thải khoảng 500m, bụi bám đầy cành lá, quả. Chị Nguyễn Thị Huyền, con dâu ông Sinh đang rửa từng quả cam trong chậu nước đen ngòm, thở dài: “Thời gian gần đây, bụi nhiều, nên cây cối phát triển kém lắm. Đến mùa thu hoạch, trước khi đóng mang đi bán lại phải lau, rửa từng quả rất mất thời gian…”
Chỉ tay vào khu vực bãi thải, bà Điệp Thị Ngân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Dương Huy bức xúc: “Hôm nào trời nắng to, bụi từ đây bị cuốn trùm xuống đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Nguyên nhân của tình trạng này là khu vực bãi thải tiếp giáp với thôn Đồng Mậu không được phân tầng hợp lý; vùng phụ cận lại chưa được bố trí trồng cây để hạn chế bụi phát tán. Tới đây, xã sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy trình đổ thải, bảo vệ môi trường”
Khắc phục qua loa, lấy lệ?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hoàng Hải, Chủ tịch HĐND TP Cẩm Phả cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố đã nhận được kiến nghị của nhiều hộ dân về việc xem xét, điều chỉnh, dừng đổ thải tại các khu vực gần khu dân cư và tầng đổ thải cao, lượng bụi phát tán lớn gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
"Trước những kiến nghị của nhân dân, cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố đã nhiều lần làm việc với các đơn vị liên quan để có giải pháp", ông Hải nói.
Theo tài liệu do lãnh đạo HĐND TP Cẩm Phả cung cấp, thì bãi thải Nam Khe Tam, Đông Khe Sim nằm ở phía Bắc TP Cẩm Phả là khu vực đổ thải của Công ty CP Than Đèo Nai – TKV và Công ty Khe Sim thuộc Tổng công ty Đông Bắc. Hai đơn vị này đã phối hợp lập tờ trình phương án cải tạo môi trường và được UBND TP Cẩm Phả thông qua ngày 13/4/2020.
Theo phương án đề xuất, thì Công ty CP Than Đèo Nai –TKV sẽ cải tạo bãi tầng thải từ mức +200 đến +280, củng cố tuyến đê chạy dọc bãi thải 300m, mặt đê rộng 4m, đáy rộng 14m, chiều cao thân đê dài 5m để ngăn đất đá trôi lấp, đồng thời trồng cây xanh bãi thải trên diện tích 16,59ha. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thành việc đổ thải đất, đá, đang bàn giao mặt bằng để trồng cây xanh; tuyến đê chắn đất, đá đang được thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Còn khu vực Công ty Khe Sim thuộc Tổng công ty Đông Bắc hiện đang khai thác, khi nào kết thúc, 2 doanh nghiệp sẽ phối hợp trồng cây xanh…
Về bãi thải phía Đông Cao Sơn (phường Mông Dương) đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 4/11/2013 với cốt cao đổ thải tối đa là +300. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường, các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống phun sương cao áp dập bụi tại một các vị trí đổ thải, kho chế biến. Vào thời điểm hanh khô, ưu tiên đổ thải trong, đổ thải tầng thấp, giảm thiểu số vị trí đổ thải để giảm thiểu bụi ra môi trường khu dân cư. Báo cáo cũng cũng chỉ rõ, trường hợp vẫn không đảm bảo phải tạm dừng sản xuất, dừng từng phần hoặc cả khu vực, khi không còn ảnh hưởng đến an toàn, môi trường mới tổ chức đổ thải trở lại…
Báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh là như vậy, nhưng thực tế bụi, ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại một số khu dân cư của TP Cẩm Phả lại như làm cho có lệ. Trước thông tin mà PV Báo Giao thông trao đổi về hiện trạng bụi, cốt đổ thải quá cao và không được phân tầng, ông Trần Hoàng Hải khẳng định sẽ sớm kiểm tra và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận