Tuyến đường từ cầu cảng xã Bản Sen sang thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) dài trên 12km, rộng hơn 3m được đưa vào sử dụng hơn chục năm nay được coi là huyết mạch giao thông của địa phương này.
Sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, tuyến đường xuyên đảo xã Bản Sen đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, bão cùng với thời gian, lượng phương tiện tải trọng lớn lưu thông chở vật liệu để phục vụ các dự án trên đảo đã khiến con đường này xuống cấp nghiêm trọng.
Đường bê tông bị băm nát gây cản trở giao thông
Trên đường chở PV Báo Giao thông từ cầu cảng theo con đường bê tông mới mở chạy vắt lên dãy núi cao, anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế xe ôm nhà ở thôn Nà Na, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn giới thiệu: Nhiều năm trước, tuyến đường này làm bằng đất, nên việc đi lại giữa các thôn rất khó khăn. Nhất là vào mùa mưa, bão, đường đi trơn trượt, bà con có việc muốn đến thăm nhau phải đi vòng bằng đường biển, nhưng khốn nỗi, đã vào ngày mưa, bão thì tàu, thuyền nhỏ cũng không đi được.
"Hơn chục năm trước, tuyến đường bê tông được mở, cả xã ai cũng mừng. Vậy mà vài năm trở lại đây, do phương tiện vận tải lớn lưu thông nhiều đã khiến nhiều đoạn trên con đường bị gãy nát", anh tài xế xe ôm cho hay.
Đoạn cua lên dốc biến dạng do xe quá tải
Qua quan sát của PV, tuyến đường từ trung tâm xã Bản Sen vào khu vực thôn Bản Sen cũ mới được làm, nên việc lưu thông khá thuận lợi. Nhưng bắt đầu từ địa phận thôn này hành trình sang thôn Tân Lập, xã Quan Lạn thì xuất hiện nhiều vị trí đã vị lún, nứt, đứt gãy.
Điển hình là khu vực trung tâm thôn Bản Sen cũ, do trận lụt lịch sử năm 2015 đã ngập băng cả thôn này với trên 30 chục nóc nhà, khiến sau đó cơ quan chức năng địa phương phải di dời toàn bộ các hộ đến nơi ở mới.
Mặc dù thế, tuyến đường qua thôn này lại là huyến mạch kết nối trung tâm xã Bản Sen với các hộ dân ở khu vực phía Đông Bắc đảo Trà Bản thế mà lại không được nâng cấp, sửa chữa khiến cho cả khu vực cứ mưa lớn là nước từ thượng nguồn đổ về gây chia cắt cục bộ.
Tuyến đường bê tông qua thôn Bản Sen, xã Bản Sen bị trận lũ lịch sử năm 2015 tàn phá nặng nề nhưng chưa được khắc phục
Tuyến đường bê tông từ đỉnh núi tiếp giáp với thôn Bản Sen, xã Bản Sen xuống thôn Tân Lập, xã Quan Lạn vừa nhỏ, hẹp, dốc gắt, vực sâu cũng xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khiến cho việc lưu thông của người dân gặp không ít khó khăn.
Chị Ngọc, nhà đầu ở thôn Tân Lập, xã Quan Lạn cho biết: Ở khu vực này, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào lâm nghiệp và khai thác thủy sản. Thời gian gần đây, tuyến đường bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, nếu không kịp thời sửa chữa thì chỉ không lâu nữa, giao thông sẽ lại khó khăn như trước, hàng hóa người dân làm ra bán lại chả có ai mua.
Một chiếc cống qua đường quá nhỏ lại bị bịt kín khiến mưa lũ tràn qua gây đứt gãy mặt đường
Cũng qua quan sát của PV Báo Giao thông, tuyến đường bị xuống cấp nhanh chóng không chỉ do phương tiện tải trọng lớn gây ra mà việc thi công các tuyến thoát nước cũng chỉ được làm qua loa, đại khái.
Bởi nhiều điểm, hệ thống thoát nước ngang trên toàn tuyến được làm quá hẹp dẫn đến khi có mưa to, nước từ trên núi tràn qua đường đã lột hỏng mặt đường bê tông, tạo ra những rãnh sâu.
Cây cối mọc um tùm trên hệ thống thoát nước dọc không được phát dọn
Trong khi đó, hệ thống thoát nước ngang thì bị cỏ cây mọc um tùm, nhiều điểm sạt, lở không được khắc phục kịp thời. Thậm chí, có khu vực, cột điện, cây lấy gỗ còn trồng luôn vào rãnh thoát nước.
Hệ thống cột điện phục vụ dân sinh cũng được trồng hàng loạt trên rãnh thoát nước tuyến đường
Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Xuân Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn cho PV Báo Giao thông biết: Thôn chỉ có vài chục nóc nhà với trên 100 nhân khẩu. Vào những ngày mưa, bão, tàu, thuyền loai nhỏ không thể ra khơi, khi có việc, muốn về đất liền, nhất là khi có người phải cấp cứu thì cách duy nhất là đi sang bến tàu Bản Sen thì mới vào được.
"Nhưng với hiện trạng tuyến đường đang xuống cấp như hiện nay, nếu không có biện pháp nâng cấp kịp thời, bà con nơi đây sẽ bị chia cắt hoàn toàn, nếu mưa, lũ lớn xảy ra...", ông Hùng nói.
Dù đã được kè, nhưng một số mái taluy trên tuyến đường đang có nguy cơ đổ đất đá xuống đường khi có mưa, lũ lớn
"Thời gian trước, khi các phương tiện tải trọng lớn về vận chuyển vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, bà con cũng đã kiến nghị chính quyền cần nhắc nhở đảm bảo an toàn cho tuyến đường, nhưng không có hiệu quả. Chúng tôi mong muốn, các cấp chính quyền cần sớm ưu tiên nguồn vốn để nâng cấp tuyến đường này để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội", ông Phạm Xuân Hùng kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận