Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị |
Quảng Ninh đứng đầu, Quảng Ngãi xếp cuối
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 được công bố cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đứng đầu danh sách khối bộ, ngành với điểm số đạt được là 92,36/100 điểm, Ủy ban Dân tộc đứng cuối bảng với 72.13 điểm, khoảng cách chênh lệch giữa hai đơn vị này là 20,23 điểm.
12 bộ, ngành gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ TT&TT, Tài chính, Tư pháp, Công thương, Ngoại giao, NN&PTNT, KH&CN, Nội vụ, TN&MT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH có kết quả chỉ số cải cách hành chính trên 80 điểm. Các Bộ: VH-TT&DL, GTVT, Xây dựng, KH&ĐT; Y tế và Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ đạt số điểm từ 70-80 điểm. Giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79,92 điểm. Không có bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 70 điểm.
Với khối địa phương, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu với 89,45 điểm, đứng cuối là Quảng Ngãi với 59,69 điểm. Theo kết quả đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 77.72 điểm, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3,08 điểm (năm 2016 đạt 74,64 điểm), trong đó, 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả chỉ số đạt trên giá trị trung bình; 60/63 đơn vị đạt kết quả chỉ số trên 70 điểm; chỉ có 3 đơn vị đạt kết quả chỉ số dưới 70 điểm (năm 2015, con số này là 15 đơn vị).
Chia sẻ kinh nghiệm khi trở thành “quán quân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, những năm gần đây, Quảng Ninh luôn tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới. Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm thành lập trung tâm hành chính công. Qua đó, các thủ tục hành chính được giải quyết ngay trong ngày tại trung tâm hành chính công, thay vì đưa về các sở như trước đây. Để bám sát tình hình thực tế, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên đóng giả người dân xuống cơ sở xem việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức ra sao.
Tăng cường thanh tra việc bổ nhiệm, quản lý cán bộ
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), với nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ, chính quyền địa phương trong thời gian qua, việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đáng kể, thể hiện qua 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 16,94% đi lại 3-4 lần. Tuy nhiên, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc với 2,24% số người được hỏi đi lại 5-6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 được thực hiện điều tra hơn 18.300 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và gần 34.000 người dân, về các lĩnh vực cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương, như: Công tác điều hành, thực hiện cơ chế một cửa, cải cách tổ chức bộ máy... Mục tiêu của hoạt động này là đánh giá toàn diện, công bằng kết quả việc triển khai cải cách hành chính hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. |
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí đối với người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công hiện nay vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng. Nhưng bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền; công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành và địa phương; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ…
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố sử dụng hiệu quả kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận