Giai đoạn 1 của khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã hoàn thành các hạng mục từ cuối năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động khiến tàu, thuyền gặp khó khi tìm chốn neo đậu.
Việc san, lấn biển ở vùng nước phụ cận dự án đã và đang tiềm ẩn nguy cơ bồi lắng luồng vào cảng
Nhà bè giăng kín mặt cảng, luồng cặp mạn cạn trơ đáy
Những ngày cuối tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn và ghi nhận, cảng do Công ty TNHH Vận tải Ka Long đang vận hành khá chật chội.
Tàu thuyền hiện phải cặp vào bãi biển cách đó vài trăm mét. Khu vực này không có hạ tầng hỗ trợ việc neo đậu, việc lên xuống phương tiện của ngư dân gặp khó khăn, nguy cơ đâm va khi dông bão là rất lớn.
Khu vực mặt nước cảng ở đây còn rất nhiều hộ nuôi lồng bè hoạt động giăng khắp mặt nước, gây khó khăn cho các phương tiện ra vào.
Theo dự kiến, giai đoạn II của dự án sẽ tiến hành nạo, vét toàn bộ khu vực mặt nước cảng, thi công đấu nối vùng mặt nước với cảng của Công ty TNHH Vận tải Ka Long đang quản lý để tạo thành chuỗi cảng với công năng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của phương tiện ra, vào trong mọi điều kiện thời tiết. Khi được cấp có thẩm quyền thông qua thì giai đoạn II sẽ được triển khai ngay.
Ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh
Theo đại diện Công ty TNHH Vận tải Ka Long, toàn bộ khu vực mặt nước cảng rộng trên 220.065m2 đã được giao cho doanh nghiệp quản lý từ năm 2016.
Lúc đó, tại khu vực này đã có 32 nhà bè nuôi thủy sản và nhà hàng nổi hoạt động.
Khi ký quyết định giao khu vực mặt nước cảng cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Vân Đồn phải di dời toàn bộ nhà bè đi nơi khác. Nhưng từ đó đến nay, các nhà bè này vẫn “án binh bất động”.
Trong khi đó, cạnh cảng Cái Rồng, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I (Dự án neo đậu – PV) ở liền kề đã hoàn thành các hạng mục đầu tư khang trang, to rộng, nhưng không có tàu thuyền vào neo đậu.
Hiện khu vực mặt nước cảng ở bên phải và bên trái của Dự án neo đậu đang cạn trơ đáy mỗi khi thủy triều xuống. Vùng mặt nước cảng ở bên phía trái, có một số hộ dân ngang nhiên đổ vật liệu lấn xuống biển và làm một số công trình tạm, khiến khu vực này mặt nước luôn đỏ quạch màu đất, đá.
Khu vực mặt bằng của Dự án neo đậu dành để xây dựng hạng mục dịch vụ hậu cần, do không có sự quản lý tốt đã và đang trở thành nơi đổ rác thải.
Mặt khác, tuyến đường qua khu 9, thị trấn Cái Rồng cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà theo người dân sở tại thì một phần nguyên nhân là do việc vận tải vật liệu phục vụ thi công chính dự án này.
Bến neo đậu làm xong, tàu thuyền vẫn chưa thể vào
Hệ thống đường lên, xuống phương tiện được thiết kế quá nhỏ gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa
Các phương tiện thủy ở vùng biển Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh đều thông qua cảng Cái Rồng để đi huyện Cô Tô và 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn. Hiện tuyến Vân Đồn - Cô Tô và Vân Đồn đi các xã đảo của huyện xuất phát từ cảng Cái Rồng có 93 tàu biển và tàu cao tốc.
Ngoài ra, còn có hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân địa phương và các tỉnh, thành phố khác thường xuyên vào cảng Cái Rồng để neo đậu, mua bán thủy sản và vật tư thiết bị. Trong khi đó, cảng Cái Rồng lại được đầu tư từ quá lâu, nên xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu neo, đậu của phương tiện.
Do vậy, việc triển khai Dự án neo, đậu được ngư dân mong mỏi sớm đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư với diện tích 96,4ha. Theo phê duyệt, khi đi vào sử dụng, dự án đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu có công suất đến 1.000CV.
Lý giải việc dự án đã hoàn thành nhưng chưa có tàu thuyền vào neo đậu, ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau gần 1 năm xây dựng, cuối năm 2021, dự án hoàn thành với đầy đủ các hạng mục thi công.
“Các hạng mục đã được các cơ quan chức năng của tỉnh nghiệm thu. Đơn vị đã bàn giao cho Sở NN&PTNT phần cảng, bến neo đậu; bàn giao cho huyện Vân Đồn phần diện tích đất quản lý 1,35ha sau cảng để làm khu hậu cần nghề cá và một số hạng mục liên quan. Hiện đơn vị đang phối hợp làm thủ tục để trình cấp có thẩm quyền công nhận và đưa dự án vào hoạt động sớm nhất”, ông Quảng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận