Chiều tối 12/10, tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức hội nghị gặp mặt, tri ân các doanh nhân đại diện cho khoảng 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh đạt 8,02%, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,45%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 73% dự toán.
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.342 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 11.669 doanh nghiệp đang hoạt động. Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển doanh nghiệp.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ninh cũng công bố, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, tặng bằng khen của UBND tỉnh cho những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động, thực hiện các chính sách thuế, an sinh xã hội trên địa bàn…
Đặc biệt, trong tỉnh có 3 doanh nghiệp tư nhân đứng trong tốp 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VR500) đó là: Công ty CP Tập đoàn Bim; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hạ Long; Công ty CP Bia và Nước giải khát Hạ Long…
Dù chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhưng tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn định theo kế hoạch. Kết quả đó có sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh và sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.
Nổi bật là cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay, góp sức cùng các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tham gia ủng hộ với số tiền hiện đã lên tới gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương, người dân khắc phục hậu quả bão số 3.
Với quan điểm, doanh nghiệp có phát triển thì tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo… Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua nhiều cơ chế, chính sách phù hợp.
Điển hình là để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, Quảng Ninh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên, hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ, du lịch…
Đáng chú ý là sự trợ lực, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng về việc triển khai những giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Đồng thời, tỉnh đã đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Trong đó, các đơn vị tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục... Tỉnh cũng cam kết hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Theo mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trung bình thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp/năm; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh; khoảng 38% tổng việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 10%; đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nghiệp trong tốp 500 doanh nghiệp theo Chương trình VNR 500...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận