Những căn nhà cũ nát không được sửa chữa, xây mới; những cánh đồng bỏ hoang; những con đường lầy lội giữa khu dân cư… Đây là thực trạng cuộc sống của hơn 100 hộ dân xã Thống Nhất (TP Hạ Long, Quảng Ninh) hơn chục năm nay, sau khi rơi vào vùng quy hoạch mỏ sét của Công ty CP Viglacera Hạ Long và Công ty CP Xi măng Hạ Long.
“Bờ xôi, ruộng mật” thành ruộng hoang
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ngay đầu thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất, chị Bùi Thị Năm lo lắng khi mùa mưa bão ập về: “Cả chục năm nay cuộc sống cứ tạm bợ thế này. Giữa mùa mưa mà mấy sào ruộng của nhà tôi khô nẻ vì kênh mương tắc nghẽn khiến nước không vào được”.
Chỉ tay về những cánh đồng um tùm cỏ mọc ở thôn Đất Đỏ, chị Năm cho hay, do quy hoạch dự án mỏ sét nằm xen kẽ với cánh đồng, nên nhiều năm nay, công trình thủy lợi cho khu vực này không được đầu tư, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp thiếu nước tưới, bà con đành bỏ hoang, khiến cuộc sống khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Xá, thôn Đất Đỏ cho hay, căn nhà cấp 4 của gia đình xây cách đây từ lâu, nay đã xuống cấp, xập xệ. “Tôi nay gần 90 tuổi, chỉ có tâm nguyện là được xây lại căn nhà, vừa để ở, vừa để làm nhà thờ chung cho cả họ. Tiền gia đình không thiếu nhưng vướng quy hoạch, muốn xây nhà mới không được…”, ông Xá băn khoăn
Cách đó khoảng 5km, thôn Xích Thổ (cùng xã Thống Nhất) cũng trong cảnh ruộng vườn bị bỏ hoang, nhà cửa không thể xây sửa, sang nhượng. Ông Ngô Xuân Hòa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xích Thổ cho hay: “24ha diện tích cấy lúa tại Xích Thổ nằm trong quy hoạch mỏ sét.
Từ ngày quy hoạch mỏ sét đến nay, hệ thống thủy lợi không được đầu tư, tu sửa, đa số ruộng chỉ cấy được một vụ, nhiều nhà đành để ruộng hoang hóa”.
Ông Vũ Văn Thái (thôn Xích Thổ) bức xúc: “Hai vợ chồng già chúng tôi ở căn nhà cũng đã xây gần 40 năm này, quá nguy hiểm. Tường, trần nhà nứt toác khắp nơi. Vài năm trước mua vật liệu về định làm lại nhà thì bị cán bộ xã đến yêu cầu dừng lại vì đất, nhà đã vào quy hoạch. Nếu nhà này gặp bão lớn sẽ ra sao?”.
Dân bức xúc, doanh nghiệp phớt lờ?
Dự án khiến hàng trăm hộ dân thôn Đất Đỏ và Xích Thổ rơi vào cảnh “sống treo” là hai mỏ sét của Công ty CP Viglacera Hạ Long và Công ty CP Xi măng Hạ Long.
Lãnh đạo Công ty CP Xi măng Hạ Long cho hay: Ngày 4/7/2007, công ty được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác sét làm nguyên liệu xi măng bằng phương pháp lộ thiên trên diện tích 42,78ha tại thôn Đất Đỏ, trữ lượng khai thác 11.298.000 tấn với công suất 538.000 tấn/năm.
Đến ngày 13/10/2008, doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích đất khai thác tại mỏ sét lên 497,4ha. Đến thời điểm hiện tại, còn 58 hộ chưa được đền bù, GPMB với tổng diện tích 43.441m2.
Do có tới 58 hộ dân chưa được đền bù vẫn nằm trong vùng quy hoạch suốt 13 năm qua, nên cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 4/4/2020, UBND TP Hạ Long đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh dừng việc triển khai dự án đối với phần diện tích là ruộng canh tác và đất ở của các hộ dân chưa thu hồi, đền bù, GPMB; đồng thời yêu cầu chủ dự án điều chỉnh quy hoạch, cắt trừ diện tích này ra.
Lý do là thời hạn giao đất để GPMB dự án đã quá 10 năm và không còn phù hợp với quy hoạch chung, định hướng phát triển của Quảng Ninh (là đến trước năm 2030, Nhà máy Xi măng Hạ Long sẽ phải dừng hoạt động).
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Xi măng Hạ Long khẳng định: Hiện nay, nhà máy mới đi vào hoạt động chính thức được 10 năm, sản lượng khai thác được trên 3,56 triệu tấn, phần còn lại theo giấy phép còn khoảng trên 5,26 triệu tấn, tương đương 7 - 8 năm khai thác nữa.
Do đó, việc đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho nhà máy trong thời gian tới theo giấy phép vẫn cần toàn bộ diện tích đã được cấp. Còn về chủ trương để đền bù, GPMB cho các hộ dân, thì “năm 2020, doanh nghiệp chưa có kế hoạch thực hiện”(?!).
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mỏ sét ở thôn Xích Thổ của Công ty CP Viglacera Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 là 108ha từ tháng 3/2012.
Ngày 25/8/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định cho phép doanh nghiệp thuê đất đến hết tháng 8/2043 theo hình thức trả tiền hàng năm để khai thác sét làm vật liệu xây dựng với công suất khai thác 448.000m3/năm.
Diện tích khai thác sét theo giấy phép được cấp có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, ruộng vườn của trên 70 hộ dân. Tuy nhiên, từ ngày được cấp phép đến nay, doanh nghiệp mới chỉ tiến hành khảo sát chất lượng đất sét ở cạnh thôn Xích Thổ được vài trăm m2. Nguyên nhân là do bà con trong thôn không đồng ý vì công ty chưa đền bù, GPMB. Từ đó, dự án bị bỏ lửng.
Lãnh đạo UBND xã Thống Nhất cho biết: Trong khi các doanh nghiệp chưa tiến hành đền bù, GPMB thì các hộ nằm trong quy hoạch mỏ sét không được chuyển nhượng, xây, sửa nhà cửa, công trình; ruộng vườn cũng như khu dân cư không được đầu tư điện nước, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, không thể canh tác... Cuộc sống người dân tạm bợ, nhiều căn hộ xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, rất nguy hiểm khi đang là mùa mưa bão.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận