Bên con dốc cao đoạn Km56 QL9, ngôi làng nhỏ tọa lạc dưới núi nhô ra đoạn cua hình vòng cung bên nhánh sông Đakrông (huyện Đakrông, Quảng Trị)... trước đây đẹp như tranh vẽ. Giờ nước lũ đã rút, cầu tràn trên con đường bê tông nối từ QL9 vào làng nước đục ngầu cuộn chảy. Ngôi làng nằm chênh vênh bên bờ sông sạt lở.
Những ngôi nhà bên bờ sông Đakrông đoạn này phía QL9 cũng đã kề bên mép lở. Từ đoạn này xuôi QL9 về vài trăm mét là cầu Rào Quán, cũng là nơi sông Rào Quán xuôi về có tấm biển treo bên cột điện về “Còi cảnh báo xả lũ: Tín hiệu xả lũ bằng những hồi còi liên tục, kéo dài. Vào ngày 01/8 hàng năm sẽ tiến hành thử còi cảnh báo xả lũ trước mùa mưa lũ”.
Ngay phía trên đầu cầu Rào Quán - hướng từ Lao Bảo về Đông Hà – xuất hiện điểm sạt lở phía ta luy âm, người đàn ông chở theo đứa con nhỏ dựng xe rồi trèo xuống bờ sông nhặt những đoạn gỗ tràm “mắc cạn” sau lũ. Phát hiện tảng đá rất lớn nằm “lơ lững” ngay vị trí sạt lở này, chúng tôi gọi cảnh báo nguy hiểm, nhưng người đàn ông ra hiệu mình đã biết.
Bờ sông phía thượng lưu cầu Rào Quán (Km 55+784 QL9) cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở ăn sâu vào con đường bên trong. Cạnh đó, nhiều căn nhà đang nằm “chênh vênh” trên mép bờ sông. Từ cầu Rào Quán xuôi về phía hạ lưu là cảnh bờ sông tan hoang, nhiều đoạn QL9 bị xói lở vào sát lề, cột điện lộn nhào xuống sông, nhà dân nằm trên mép lở.
Ông Hồ Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho hay, trên địa bàn xã có 4 nhà ở phía ta luy âm QL9- sát bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào sát sau nhà, phải di dời đến nơi ở tạm. “Mưa lũ cộng với thủy điện xả nước, bờ sông bị sạt lở nặng nề nên nhà bị nứt không thể ở được, tình cảnh hiện rất khó khăn”, lãnh đạo UBND xã Đakrông cho biết thêm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đakrông, tập quán của bà con đồng bào Vân Kiều - Pa Cô trên địa bàn thường ở bên mép sông, bờ suối, nhưng hiện nay tình hình sạt lở nghiêm trọng, phải đánh giá lại và lãnh đạo huyện cũng như các phòng, ban đi kiểm tra rà soát tất cả các điểm nguy hiểm.
Để ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 7- 19/10, tại địa bàn huyện Đakrông đã tổ chức di dời 2.236 hộ/8.917 người ở vùng ngập lụt, sạt lở bờ sông và 242 hộ với 952 người ở vùng có nguy cơ sạt lở đồi núi đến nơi an toàn.
“Hiện chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra rà soát, đánh giá, nếu hộ dân ở khu vực nguy hiểm không có giải pháp khắc phục được cần phải di dời”, lãnh đạo UBND huyện Đakrông cho hay.
Sau đợt mưa lũ dồn dập vừa qua, nhiều đoạn bờ sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng bị sạt lở nặng. Được biết, ngày 30/10, tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản yêu cầu Sở KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo, đề xuất về việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai...
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại huyện Đakrông:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận